Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nghề bảo mẫu ( phần 4 )


Bảo mẫu cho các bé ăn tại một trường mầm non (ảnh minh họa) - h: H.HG.
Những kiến thức mà tôi học được ở lớp đào tạo bảo mẫu cấp tốc, nào là cách chơi đùa với bé, cách giúp bé ăn ngon miệng, tập cho bé đi "ị" đúng giờ... đều khác xa với thực tế lúc tôi đi làm bảo mẫu.

Vì khi đi làm, tôi phải một lúc chăm sóc, lo chuyện ăn ngủ, đi vệ sinh của hai chục đứa trẻ ở độ tuổi chưa biết gọi cô khi muốn đi "ị".

Phải đến khi vào nghề, tôi mới biết để làm bảo mẫu, tay nghề và sự nhẫn nại, cam khổ là những yếu tố quan trọng nhất. Bởi vậy, chỉ cần có kinh nghiệm chứ không cần bằng cấp, đó là tiêu chí tuyển bảo mẫu của hầu hết chủ trường mà tôi đến làm việc.

Phản xạ
Là bảo mẫu, tôi phải có mặt ở trường từ 6g sáng và ra về lúc 18g30. Cả ngày, công việc của tôi và các cô bảo mẫu khác cứ xoay vòng đều đặn: cho ăn, lau nhà, giặt đồ, dọn phân, đổ bô rồi lại cho ăn, lau nhà...

Trong ngày đầu tiên làm việc, tôi đã hình thành được phản xạ là hễ thấy mấy đứa trẻ "dính" chặt vào nhau thì phải ngay lập tức lôi mỗi đứa ra mỗi đường. Chỉ cần chậm tay thì thế nào cũng có đứa khóc ré lên vì bị bạn đánh hoặc tay chân đầy vết cắn, cào của bạn.

Trẻ giật tóc, đánh nhau sơ sơ còn đỡ, chứ vết cào, vết cắn, xước da và những vết thâm bao giờ cũng là bằng chứng để phụ huynh đến rầy rà chủ trường. Và bảo mẫu chúng tôi sẽ bị la rầy, cằn nhằn hết ngày này sang ngày khác hoặc thực tế hơn là bị trừ một, hai ngày lương.

Một phản xạ nữa mà tôi phải học là khi có bé bị ói. Theo kinh nghiệm của các đồng nghiệp, khi bé bị ói phải lập tức sừng sộ và quát bé thật to để bé giật mình thôi ói, hoặc đánh vào đùi bé để bé quên ói và lần sau biết sợ không ói nữa.

Nhưng thực tế tôi lại thấy mỗi lần các bé đang ói mà bị đánh thì đều khóc to hơn, vừa khóc vừa nấc nên ói nhiều hơn chứ không phải vì sợ mà ngưng ói như kinh nghiệm của các cô. Phần sữa bố mẹ gửi cho các bé trong túi xách nếu bé nào chịu uống thì cô bảo mẫu cho uống, còn bé nào khó uống thì cô này lấy sữa ra cho vào một hộc tủ riêng của cô để khi gửi túi xách về thì bố mẹ nghĩ là con mình đã uống sữa ở trường.

Cô Thủy, một đồng nghiệp của tôi ở một nhà trẻ mang tên "Mầm non tư thục chất lượng cao V" (P.15, Q.11), hướng dẫn tôi vào nghề: "Lớp này có mấy đứa lỳ lợm lắm. Muốn nó ăn phải cho nó nhịn một bữa cho biết thế nào là đói. Nhớ là có đánh thì đánh vào lòng bàn tay hoặc mông, đùi, không thì lấy cái gối, con thú bông mà đánh, không bố mẹ nó phát hiện rồi bị la thì ráng chịu".

Giờ ngủ trưa của các bé một lớp mầm non tư thục tại quận Gò Vấp (TP.HCM). Ảnh minh họa - Ảnh: H.HG.

Trẻ nào lì lợm, không chịu ăn sẽ bị bỏ đói một bữa để bữa tiếp theo chịu ăn. Trong lớp có một bé lúc nào cũng khóc đòi mẹ và đòi tôi phải bế lên mới chịu nín, cô Thủy dứt khoát: "Cứ thả nó xuống nền cho nó khóc lúc nào mệt khắc nín. Không được bế đứa nào nhiều vì sau này cô nghỉ nó sẽ đòi. Lúc cho ăn cũng thế, không được tập trung cưng nựng một đứa làm nó quen, sau này người khác cho ăn nó sẽ không chịu".

"Tiểu xảo"

Phụ huynh đến đón, cô chủ trường trực tiếp trả các bé, trước khi trả còn hôn vào hai má từng bé.

Cô dặn phụ huynh của một bé trai: "Hôm nay cháu ăn được lắm, nhưng chị về kiểm tra hệ tiêu hóa của cháu vì tôi để ý thấy phân của cháu có màu hơi trắng so với các bạn" (bé này hồi trưa vừa bị đánh, bị ói và bị đổ mất phần ăn trưa).

Khi phụ huynh thắc mắc về một vết hằn trên đùi bé (là vết đánh bằng thước của cô bảo mẫu trong bữa trưa), cô chủ trường liền chỉ vào một thằng bé khác đang chờ bố mẹ và giải thích: "Thằng nhóc kia hư lắm, cứ nhè lúc các cô không để ý là nó lấy đồ chơi "uýnh" bạn, để mai cách ly nó khỏi các bạn khác".

Nói là nói vậy nhưng tôi chứng kiến thấy cô Thủy hay thiên vị và lo chu đáo cho một vài bé, như tắm rửa sạch sẽ, giữ cho bé không bị các bạn đánh, dỗ dành khi cho ăn chứ không mắng chửi, nếu có ói ra cô sẽ đút ăn lại cho đủ bữa. Tiếp cận vài ngày cô Thủy mới giải thích: "Đứa nào phụ huynh "gửi gắm" thì mình quan tâm thôi, còn lại thì cứ mặc kệ miễn ngày cho ăn đủ bữa. Sức đâu mà lo cho cả mấy chục đứa".

Thủy cho biết mỗi tháng phụ huynh các bé này "gửi gắm" mỗi bé 50.000đ-100.000đ. Cô kể: "Nghe bảo những trường khác người ta còn gửi nhiều hơn nên bù vào lương cũng đỡ. Chứ đồng lương thế này làm sao đủ sống. Bố mẹ có điều kiện một chút thì thấy sụt ký là lo lắng, con nhà nào nghèo thì sụt ký chứ ốm đau đi nữa cũng chịu, chẳng có tiền "boa" cho cô đâu, vì có chỗ gửi con để đi làm là may lắm rồi". Ở trường này lương bảo mẫu 1,3 triệu đồng/tháng, lương thử việc của tôi 1,1 triệu. Tôi và cô Thủy đều là dân ở thuê, riêng tiền nhà trọ đã 400.000- 500.000đ/tháng, chỉ còn non 1 triệu để sinh hoạt và dành dụm.

Tại Trường mầm non TH (Tân Phú), thỉnh thoảng bảo mẫu chúng tôi phải cho trẻ ăn cố vì cô cấp dưỡng nấu dư quá nhiều, nếu bị chủ trường phát hiện sẽ bị phạt trừ lương. Có trẻ bị bắt ăn tới hai tô cơm vào buổi trưa, ăn nhiều quá nên ói ra cả. Còn bao nhiêu chúng tôi phải đem đổ xuống cống để "phi tang". Ngay cả khi trẻ không chịu ăn thì tô của trẻ sẽ đổ đi để không bị chủ trường phát hiện. Các cô bảo mẫu sẽ cho trẻ ôm bụng đói đi ngủ vì không đủ sức dụ trẻ ăn tiếp khi đã tới giờ ngủ.

Ở trường này, tôi khá ngạc nhiên vì khăn lau của các bé màu trắng, dùng để lau người, lau thức ăn vương vãi, lau đồ ói và có khi dùng vệ sinh lúc bé đi tiêu tiểu, nhưng chỉ qua một buổi trưa lại sạch sẽ và trắng tinh như mới.
Một buổi trưa khi ăn xong tôi được giao việc giặt khăn, khăn dơ dáy đủ loại được giặt sơ và ngâm vào một nồi nước sôi. Tôi xả nước và dùng tay lấy khăn ra thì được cô cấp dưỡng chỉ: "Thuốc tẩy đấy, dùng kẹp mà gắp ra cho khỏi ăn tay". Theo đúng quy trình, những chiếc khăn này chỉ được xả thêm một lần nước rồi vắt khô để tiếp tục lau mặt và người các bé.

Khi phụ huynh đến đón các bé là thời điểm quan trọng nhất trong ngày. Dù cả ngày ra sao thì đến chiều các bé vẫn phải tinh tươm, sạch sẽ chờ bố mẹ tới đón về. Xong bữa xế, các bé được cho đi vệ sinh một lần nữa rồi lau người và thay áo quần mới. Lúc này cô chủ trường đã bật nhạc thiếu nhi xập xình và mở phim cổ tích cho các bé xem, không khí rất yên bình. Thay áo xong, các bé được bôi phấn thơm để "khử" hết mùi thức ăn, đồ ói trong ngày.

Theo Tuổi Trẻ