Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ngậm núm vú giả có thể khiến trẻ chậm nói


Các nhà khoa học thuộc ĐH Washington (Mỹ), đã phát hiện ra rằng những trẻ sơ sinh có thói quen ngậm ngón tay, chai lọ hay núm vú giả, thường gặp những vấn đề về phát triển ngôn ngữ khi lên 3 tuổi.

Trẻ thường xuyên ngậm núm vú giả và ngón tay có thể ngay gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển ngôn ngữ của trẻ sau này (Ảnh: Telegraph)

Nhóm nghiên cứu cũng chứng minh được rằng, việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 9 tháng đầu tiên sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ gặp những vấn đề về phát triển ngôn ngữ.

Nghiên cứu được thực hiện với 128 trẻ em có độ tuổi từ 3 đến 5, ở thành phố Patagonia, Mỹ. Để tiến hành nghiên cứu, cha mẹ của những trẻ em này được yêu cầu trả lời vào một phiếu điều tra về cách chăm sóc chúng khi nhỏ. Sau đó, các nhà khoa học tiến hành phân tích và kiểm ngôn ngữ và cách ứng xử của từng đứa trẻ.

"Những kết quả này cho thấy rằng, việc để trẻ thường xuyên ngậm núm vú giả và ngón tay có thể gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển ngôn ngữ của trẻ sau này", tiến sĩ Clarita Barbosa, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, nói.

Tuy nhiên, bà cũng cho biết cần có thêm những nghiên cứu trên diện rộng. "Mặc dù những kết quả của cuộc nghiên cứu này đã chứng minh được những lợi ích của việc kéo dài thời gian cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, nhưng chúng tôi vẫn cần nghiên cứu trên phạm vi rộng hơn trước khi đưa ra công bố chính thức".

Hiện tại, vẫn có nhất nhiều ý kiến khác nhau về lợi ích cũng như tác hại khi cho trẻ ngậm núm vú giả. Một số nhà khoa học cho rằng, một số trẻ em cảm thấy thoải mái khi ngậm núm vú giả, đặc biệt khi chúng bị đau bụng. Những nghiên cứu trước đây cũng cho thấy trẻ thường ngậm ngón tay khi còn ở trong bụng mẹ.

Nhưng các bác sĩ nha khoa cảnh báo rằng, việc để trẻ thường xuyên ngậm núm vú giả hay ngón tay, có thể khiến răng của trẻ bị biến dạng. Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng việc ngậm núm vú giả trong thời gian thức sẽ làm giảm khả năng giao tiếp hàng ngày của trẻ.

Theo Bee.net.vn