Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo dục Mầm non ở ĐBSCL: Hết chỗ để... lùi!


Được xác định là "thời gian vàng của đời người", là cấp học quan trọng nhất trong hệ thống GD-ĐT, thế nhưng, GD MN ở ĐBSCL đang đứng trước thực trạng báo động: thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên... các cháu phải học nhờ trong đình, chùa, văn phòng ấp... Trong khi đó, các giải pháp cải thiện thì vẫn còn rất mơ hồ.

Học mẫu giáo ở... nghĩa trang
Lách qua dãy bán cá, bán rau rồi mấy ụ quần áo may sẵn, tôi mới mò ra được lớp MG điểm Bình Phú của xã Bình Phước Xuân (Chợ Mới - An Giang). Gọi là lớp, nhưng thực chất đây là một nửa cơ ngơi của văn phòng ấp nằm sau khu chợ ồn ào. Do chỉ được ngăn cách bởi vách tạm nên âm thanh chợ búa cứ xông xồng xộc vào. Thỉnh thoảng, cô giáo Nguyễn Thị Mai phải "bắt" học sinh bịt tai lại để không phải nghe những trận mưa ngôn từ "hàng tôm, hàng cá". Tuy nhiên, theo cô Mai, như thế là còn may, nếu so với nhiều đồng nghiệp phải chật vật dạy trong những gian bếp ở các chùa...

Dù được "chỉ dẫn" tường tận, nhưng thú thật tôi không tài nào dám tin khu bếp bốn bề trống hoác của chùa Phú An lại chính là "trường" của học sinh (HS) MG ấp Bình Trung, xã Bình Phước Xuân. Nhìn cô Trần Thị Trúc đang cùng học sinh ngồi bẹp trên nền gạch tàu để học hát, mà tôi cứ ngỡ đó là buổi... chơi nhà chòi. Cô Trúc cho biết thêm, lớp tạm bợ nên không thể tổ chức dạy các môn cơ bản: trang trí lớp, góc học tập... Trong khi đó, bản thân GV chỉ dám tiếp nhận thiết bị gọn, nhẹ để có thể cất gọn vào tủ. Vì thế, đồ dùng dạy học lại càng thiếu.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT An Giang, toàn tỉnh phải mượn thêm 343 phòng ở trường tiểu học (TH), đình, chùa, nhà văn hóa, văn phòng ban ấp, nhà dân... để mở lớp MG. Thậm chí có xã như Bình Phước Xuân, có 9/10 lớp MG phải học trong phòng tạm. Không chỉ ở địa bàn vùng sâu, mà ngay phường Châu Phú B, trung tâm của thị xã Châu Đốc (An Giang), cũng phải mượn văn phòng khóm Châu Thới I để mở hai lớp MG.

Cô Trần Thị Trúc (lớp mẫu giáo ấp Bình Trung - Chợ Mới - An Giang) với tấm bảng vừa bị xé rách

Còn ở Đồng Tháp, theo thống kê chưa đầy đủ, có đến 453 lớp MG phải "học gửi" trong các trường tiểu học (TH), văn phòng ấp, đình chùa... Riêng Kiên Giang, đến nay mới có khoảng 60/142 xã, phường, thị trấn có trường MG. Thế nhưng, nhiều nơi phải mượn tạm nhà dân, thậm chí đưa vào... nghĩa trang liệt sĩ để mở lớp. Điển hình là xã Định Yên (huyện Gò Quao), do thiếu phòng, nên chính quyền phải tận dụng nhà quản trang liệt sĩ để mở lớp MG cho ấp An Thọ.

Không dừng lại ở chỗ tạm bợ về trường lớp, nhiều địa phương ĐBSCL còn đối mặt với nạn "tạm bợ" về đội ngũ giáo viên. Tính đến đầu năm học 2009-2010, bình quân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp thiếu 200-300 giáo viên MN. Vì thế, một số nơi, một giáo viên phải "kham" nhiều lớp, hoặc phải dồn đến 60 học sinh vào một lớp. Không cần khảo sát, cũng dễ đoán được chất lượng giảng dạy của những lớp quá cỡ này.

Thế nhưng, theo dự báo, tình trạng thiếu giáo viên MN ở ĐBSCL sẽ tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới do chính sách tiền lương dành cho ngành này quá thấp. Trong khi đó, công tác quản lý các lớp MG "học gửi" cũng đang ở tình trạng rơi tự do vì thiếu mô hình thích ứng. Hiện đang tồn tại hai cách quản lý: GV trường MG tại trung tâm huyện quản hết các lớp MG đang "học gửi" tại các trường TH, nhà dân... Hoặc "ghép" lớp MG và để trường TH quản lý luôn. Tuy nhiên, cả hai cách này cũng chỉ mang tính hình thức, do địa bàn rộng, và có những khác biệt về chuyên môn.

Đôi bên cùng... thiệt hại
Cô Trần Thị Trúc cho biết: "Năm học này, có 24 cháu thuộc hai nhóm tuổi (4-5) đăng ký học. Nhưng do diện tích của lớp hẹp nên đành nhập cả hai nhóm tuổi dạy chung chương trình dành cho nhóm năm tuổi". Đáng lo là HS nhóm bốn tuổi không chỉ bị "đứng bên lề" lớp học mà còn cầm chắc suất "lưu ban" vào năm học sau. Không chỉ có vậy, các lớp "học gửi" nhà dân, văn phòng ấp... còn phải tạm ngưng dạy và học bất cứ lúc nào nếu chủ tổ chức đám tiệc, giỗ chạp, hội họp... Ngoài ra, các lớp "học gửi" tại trường TH đều phải chấp nhận "đẽo chương trình cho vừa hoàn cảnh". Cô Nguyễn Thị Bảo Thu, GV MG điểm ấp Bình Phú (Bình Phước Xuân - Chợ Mới - An Giang) cho biết: "Do áp lực phải điều tiết cho MG ra chơi-vào học cùng giờ với TH nên nhiều tiết học bị giảm tính sinh động".

Một lớp mẫu giáo đặt tại nhà bếp chùa Phú An (Bình Phước Xuân - chợ Mới - An Giang)

Không chỉ có vậy. Bà Trần Thị Kim Ngôn, Trưởng phòng Mầm non Sở GD-ĐT An Giang cho biết, thỉnh thoảng đi dự giờ các trường MG học nhờ văn phòng ấp, tận mắt chứng kiến cảnh lớp học bị gián đoạn bởi âm thanh từ cửa miệng mấy vị "chủ nhà" bên kia vách ... Đến lúc được trả lại sự bình yên thì nhiệt tình dạy - học cũng bị lắng xuống. Và chính sự tạm bợ, chắp vá của phòng ốc còn đẩy các cháu đến chỗ dễ tiêm nhiễm tật xấu. Cô Nguyễn Thị Mai âu lo: "Lớp nằm cạnh chợ, nên dù đã khép cửa, nhưng mỗi khi người lớn cự cãi là toàn bộ âm thanh đều lọt vào tai các cháu. Và không ít cháu đã "thuộc" "ngôn ngữ chợ búa" này ngay trên lớp".

Không chỉ bị khổ thân, chuyện "học gửi" của các lớp MG còn gây "thiệt" cho chính "ân nhân" của mình. Cô Nguyễn Thị Mai bật mí: "Ngoại trừ trường hợp đột xuất, theo thỏa thuận, Ban tự quản ấp sẽ không làm việc vào buổi sáng để lớp có thể hoạt động". Điều này cũng đồng nghĩa với việc cắt xén 50% thời gian hoạt động của bộ máy hành chính cơ sở. Đáng nói là điều này đã tồn tại hơn chục năm nay. Chưa kể, do đặc thù ca, hát và nhảy múa... chính là học, nên các lớp MG "học gửi" cũng phần nào ảnh hưởng đến không khí học tập của các lớp đàn anh.

Công lập, tư thục đều rơi tự do
Ông Lữ Văn Nhựt, GĐ Sở GD-ĐT Kiên Giang, nhấn mạnh: Thông thường, thiếu trường, thiếu lớp là do thiếu tiền. Tuy nhiên, ở hệ MN, thì ngay cả khi chiếc túi ngân sách Nhà nước địa phương có dôi dư, ngành cũng khó lòng xóa hết "lớp gửi", do chính sách ưu tiên đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục của Quyết định 161 mà Chính phủ ban hành. Theo ông Nhựt, với đặc thù dân cư sống rải rác dọc theo hệ thống kênh, mương... rất khó để kêu gọi xã hội hóa GD hệ MN theo tinh thần Quyết định 161. Không dám dùng kinh phí ngân sách để xây trường MN, nhưng để hoàn thành chỉ tiêu huy động trẻ đến trường, nhiều địa phương vẫn cứ mở lớp. Thế là tận dụng tất cả, từ văn phòng ấp cho đến nhà chùa, nhà quản trang... Không chỉ "bỏ quên" GD MN mà nhiều địa phương còn "giành phần" với các cháu. Điển hình là trường hợp trường MG xã Bình Phú (Châu Phú - An Giang). Chỉ vì thiếu chỗ làm việc mà UBND và Công an xã Bình Phú đã "đẩy" trường MG vào trụ sở giữ trẻ mùa lũ.

Trong khi đó, theo nhận định của lãnh đạo các Sở GD-ĐT Kiên Giang, Đồng Tháp, ở vùng sâu, tìm được người đầu tư xây trường MG theo phương thức "xã hội hóa" còn khó hơn lên trời. Mà có kêu gọi được thì sau một thời gian hoạt động, các trường này cũng lâm vào cảnh "chết đứng".

Chỉ riêng địa bàn thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú), nơi có ba trường MG tư thục thuộc diện bề thế thì đã có một trường đóng cửa, một trường chuẩn bị giải tán và một trường chỉ hoạt động cầm chừng khoảng 50% công suất. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái "chết" này, nhưng cơ bản nhất là do thiếu hành lang phát triển.

Một GV công tác lâu năm trong ngành MN ở huyện Châu Phú lý giải: "Phải chi phí cho nhiều hoạt động trong bối cảnh ít học sinh nên các trường lần lượt "chết". Trong khi đó, một số trường bị "chôn vùi" hàng chục tỷ chỉ vì sự thất hứa của chính quyền địa phương. Cụ thể như trường hợp trường MN tư thục Gia Nghi, thị trấn Cái Dầu (Châu Phú - An Giang). Được cam kết đầu tư đường dẫn nên ông Trương Chân Ái đã dồn hàng chục tỷ đồng để xây trường MN đạt chuẩn quốc gia với quy mô 30 lớp vào năm 2007. Nhưng vì địa phương không giữ lời hứa mở đường, nên đến giờ trường lọt thỏm ở vị trị "bí hiểm" và bị thua lỗ nặng". Cô Lê Thị Vân, Phó hiệu trưởng trường MN tư thục Gia Nghi cho biết: Trong hơn một năm đầu, chỉ tính chuyện trả lương, đã lỗ khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, do thiếu kiểm tra sau khi cấp phép thành lập nên nhiều trường "lập lờ đánh lận...", gắn mác "chuẩn quốc tế" nhưng cơ sở lại tuềnh toàng hơn cả trường "quốc nội". Cô Nguyễn Thị Mum, Trưởng phòng MN, Sở GD-ĐT An Giang nhận xét.

Con đường ngắn nhất dẫn đến... hệ lụy
GS.TS Võ Tòng Xuân, cố vấn cao cấp ĐH An Giang, cho rằng: "Nguyên nhân cơ bản khiến GD MN "chưa đẹp" như hiện nay là do phát triển theo "quy trình ngược". Thay vì dồn tất cả những gì tốt đẹp nhất cho cấp học này, chúng ta chỉ quan tâm bằng... lời nói, nhất là trong việc xây dựng trường lớp. Càng vào vùng sâu, vùng xa các cháu càng chịu thiệt thòi. Điều này không chỉ trực tiếp "giới hạn" kiến thức và trí tìm tòi của những người chủ tương lai đất nước mà còn tạo ấn tượng xấu đối với các cháu MG, mới bước đầu dung nạp kiến thức. Đó là con đường ngắn nhất dẫn đến hệ lụy: khi lớn lên các cháu sẽ thấy sự sinh hoạt tồi tàn như thế là chuyện bình thường, không cần phấn đấu để cải tiến.

Ngay bản thân người "trong cuộc" cũng nhận thức chưa đầy đủ vấn đề khi đóng góp cải tiến GD phần lớn tập trung vào lĩnh vực đại học. Thử hỏi, xây trường cho ĐH to đến mấy, thuê giáo sư giỏi đến mấy mà nguồn nguyên liệu bên dưới quá kém thì liệu có cho ra được những sản phẩm tốt? Vì vậy, cải tiến GD phải bắt đầu từ hệ MN, như xu thế của các quốc gia tiến bộ. Vì một nền GD Việt Nam vững mạnh, theo tôi, cần tổ chức một "Hội nghị Diên Hồng" toàn quốc về cải tiến GD, quy tụ trí tuệ của cả ngành (tránh tình trạng như lâu nay, vấn đề hệ trọng này chỉ được bàn giới hạn trong phạm vi các chuyên viên của các vụ thuộc Bộ và lãnh đạo các trường ĐH). Chỉ có thế mới hy vọng xác lập hướng đi phù hợp cả về nội dung và chương trình đào tạo, các loại hình đào tạo, phương pháp đào tạo từ MN đến trung học và ĐH. Trong đó tập trung bàn giải pháp giúp Nhà nước xác lập lộ trình công bằng xã hội trên lĩnh vực GD: thay vì "bao cấp" điện - đường - trường - trạm cho khu vực thành thị có thu nhập cao, sang hướng "xã hội hóa" toàn bộ để dồn tiền đầu tư cho khu vực nông thôn vốn đa số người dân còn khó khăn".

Theo Báo PNO