Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nghề bảo mẫu: Cảnh đông con ( phần 1)


Trong vai một người lao động ít học từ quê lên TP.HCM xin làm bảo mẫu, phóng viên đã có những ngày làm việc thật sự tại các trường mầm non tư thục. Những câu chuyện ít biết khuất sau cánh cửa trường mầm non và nhóm trẻ gia đình được phóng viên trong vai một bảo mẫu ghi lại.

Câu chuyện về một nghề đủ bề cơ cực khi phải chăm mấy chục con người ta để lấy tiền nuôi con mình, một "nghề hành xác" chứ không chỉ là chuyện bảo mẫu đánh trẻ em được phản ảnh đây đó.

Tìm trên mạng vài địa chỉ trường mầm non (hầu hết là trường tư thục và nhóm trẻ gia đình) đang cần tuyển bảo mẫu, tôi gọi điện xin gặp chủ trường để xin việc. Tôi trả lời vài câu hỏi qua điện thoại như có mấy năm kinh nghiệm, năm nay bao nhiêu tuổi, có gia đình chưa..., sau đó đến trường để trực tiếp liên hệ.

Nơi đầu tiên tôi đến là một lớp mầm non tư thục nằm trên đường Trường Chinh, quận Tân Phú, TP.HCM.

Vào nghề
Tới nơi tôi khai "không mang theo hồ sơ", "bỏ học đã lâu", "có một năm kinh nghiệm chăm em bé giùm họ hàng". Cô H., chủ trường, dặn tôi: "Kinh nghiệm của em là chăm trẻ nhưng chỉ chăm một đứa, còn ở đây bảo mẫu phải chăm 10-20 đứa. Với lại em còn trẻ quá, mấy cô trẻ trẻ thường ham chơi, không chú tâm công việc. Thường tôi thích tuyển bảo mẫu trên 35 tuổi, đã có con vì họ có kinh nghiệm nuôi con và đủ già dặn để giải quyết mọi việc".

Tuy nhiên, cô H. cũng tỏ ra dễ chịu: "Ở đây đang thiếu người vì một chị vừa xin nghỉ nên tôi sẽ nhận em vào, cứ từ từ nhìn theo các chị mà làm. Nói trước là khổ lắm, nghề này là nghề hành xác đấy, ai thương trẻ và chịu đựng được mới có thể ở lại. Đã có mấy cô tới đây xin việc, chỉ làm được ba hôm rồi bỏ!".

Bữa cơm ở một nhà trẻ (ảnh minh họa) - (Ảnh: Lưu Trang)

Cô H. cũng dặn tôi thêm một vài "luật lệ": "Không được đi chơi, không được xin nghỉ giữa buổi, trừ phi bị tai nạn còn thì không được nghỉ phép vì trẻ không có người chăm. 6g sáng phải có mặt, không được đi trễ. Lương thử việc 800.000 đồng, lương chính thức 1,2 triệu đồng bao ăn trưa".

Ngay hôm sau là ngày làm việc đầu tiên của tôi. Đúng 6g sáng tôi có mặt tại lớp nhưng hầu như các cô bảo mẫu, cấp dưỡng khác đều có mặt trước tôi và đang dọn dẹp, chuẩn bị mọi thứ cho buổi học.

Cô H. giao cho tôi rửa ly, lau các kệ tủ, đồ chơi, dọn bàn ăn thật nhanh trước khi phụ huynh đưa con đến gửi. Khi phụ huynh đến, một cô phải đứng trực ở cổng để đón trẻ, cất túi xách, giày dép, sữa của trẻ đúng chỗ để khi về không bị lẫn lộn với đồ của trẻ khác.

7g sáng khi chúng tôi trực ở cổng để đón các bé và 5g chiều trở đi khi trả bé cho phụ huynh là những phút giây yên bình nhất trong ngày. Còn lại là những khoảnh khắc kinh hoàng vì tiếng kêu khóc không lúc nào ngớt của trẻ và tiếng la hét, quát nạt của bảo mẫu.

"Hỗn chiến"
Quá 7g sáng, quang cảnh bắt đầu trở nên ồn ào bởi tiếng la hét chơi đùa và cả tiếng gào khóc của bọn trẻ đòi bố mẹ chở về chứ không chịu vào lớp. Vào lớp xong, đứa lôi đồ chơi ra, giành nhau, đứa đánh bạn rồi kêu khóc um sùm, đứa trèo lên cầu thang nhảy xuống, vẫn còn đứa tìm cách thoát ra cánh cổng sắt vừa khóc vừa la "Cho con về!".

Cả trường hơn 50 bé nhưng chỉ có một giáo viên và ba bảo mẫu. Tôi và một cô tên Th. được phân công phụ trách lớp trẻ dưới 3 tuổi ở tầng trệt với hơn 20 bé. Đón đủ bé xong, chúng tôi phải cho bé ăn sáng xong trước 9g. Hai chục bé được dồn vào căn phòng ăn ẩm thấp và chật chội, khuất sau phòng học được trang trí sáng sủa bắt mắt.

Cô L., cấp dưỡng, bưng lên đặt giữa bàn một nồi cháo lớn vừa sôi đang bốc khói nghi ngút, mặc cho các bé 1-3 tuổi đang đứng ngồi nhốn nháo xung quanh. Cháo được múc vào từng tô xong thì trận "hỗn chiến" bắt đầu.

Xếp trẻ ngồi theo từng dãy, mỗi bảo mẫu phải đút vòng quanh mỗi lượt 5-6 bé. Đút được 30 phút thì cả tôi và Th. đều mồ hôi mồ kê nhễ nhại vì bọn trẻ cứ nhốn nháo, la hét, đứa gào khóc, đứa ngậm cháo mãi không chịu nuốt, đứa ói ra sàn. Hai tay tôi bắt đầu mỏi nhừ và lưng ê ẩm vì khom người quá lâu.

Ban đầu chúng tôi còn nhỏ nhẹ dụ các bé ăn, nhưng một hồi sau thì cả hai gần như phải chạy vòng quanh và hét lên mà các bé vẫn không chịu nghe. Những bé ăn xong được cho xếp hàng ngồi bô ngay sát phòng ăn. Đang đút tới lượt thứ hai thì những bé đã "đi" xong kêu toáng lên.

Cô Th. bảo tôi: "Bỏ bát xuống, đi chùi rửa cho mấy đứa kia rồi cho nó lên nhà trên chơi đi". Có bé "ị" xong lại đứng dậy đùa nghịch với các bạn nên phân lấm lem cả tay và áo quần, tôi phải tắm và thay áo quần mới cho bé rồi giặt áo quần bẩn đem phơi "chứ để bố mẹ nó thấy áo quần toàn mùi "ị" thì ai dám gửi con ở đây nữa" như lời cô chủ trường dặn.

Sắp tới 9g mà vẫn còn tám bé chưa ăn xong hoặc không chịu ăn, cô H. chủ trường phải xuống phòng ăn để phụ một tay. Lúc này, những bé lì lợm không ăn hoặc ngậm không chịu nuốt đều bị đánh cho đến khi chịu ăn. Bé nào quá lì thì bị phạt nhốt vào phòng tối hoặc bưng tô cháo ra ngồi một mình sau bếp. Tiếng la mắng của cô Th., cô H. càng to thì bọn trẻ càng khóc ré lên từng đợt.

Trong lúc đó, tôi phải vệ sinh cho những bé còn lại. Có bé vừa ăn xong lại chạy nhảy quá "sung" nên bị ói ra hết, tôi phải dọn đồ ói và cho bé ăn lại từ đầu. Có bé lúc cho ngồi bô thì không "ị", tới lúc ra chơi với các bạn thì lại "đi" ra cả quần. Cứ 10 phút một lần tôi phải đi lau sàn, chùi nước tiểu cho những bé còn quá nhỏ chưa biết gọi cô khi đi tiểu. Áo quần tôi "tổng hợp" đầy mùi phân, nước tiểu và đồ ói.

Theo Tuổi Trẻ