Phấn đấu giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi "Củng cố và mở rộng diện bao phủ các can thiệp thiết yếu vì sự sống còn trẻ em nhằm giảm sự khác biệt về chăm sóc sức khỏe trẻ em; cải thiện sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong trẻ em ở tất cả các vùng, miền trong cả nước" là mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia vì sự sống còn trẻ em vừa được Bộ Y tế phê duyệt. Tử vong sơ sinh chiếm phần lớn trong tỷ lệ tử vong trẻ em Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Cùng với giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng ở nước ta cũng đã giảm một cách ấn tượng từ mức 31,9% năm 2001 xuống 19,9% năm 2008. Đặc biệt tỷ lệ này cũng đã giảm ở cả những khu vực có nhiều khó khăn kể cả vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên là những nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất. Bên cạnh đó, giảm các bệnh lây nhiễm có thể phòng ngừa được bằng tiêm chủng cũng đóng góp một phần quan trọng cho việc giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong trẻ em ở nước ta. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em nước ta vẫn phải đương đầu với những thách thức không nhỏ. Đó là sự khác biệt về tình trạng sức khỏe trẻ em giữa các vùng kinh tế, xã hội khác nhau. Tỷ lệ tử vong trẻ em ở các khu vực miền núi, vùng sâu và hẻo lánh, nông thôn hay ở trong các gia đình nghèo cao gấp 3-4 lần so với vùng đồng bằng và các gia đình khá giả. Miền núi, vùng sâu, vùng hẻo lánh vẫn còn rất khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng. Trong khi phần lớn (88%) phụ nữ mang thai được cán bộ y tế hỗ trợ khi sinh đẻ thì ở miền núi tỷ lệ này chỉ là 44%. Có một điều đáng buồn là trong khi tỷ lệ tử vong trẻ em đã giảm mạnh thì tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh hầu như không thay đổi và vẫn còn chiếm tỷ lệ cao. Nhiều bà mẹ và trẻ sơ sinh chưa được chăm sóc tốt, đặc biệt là ở miền núi và vùng sâu vùng xa. Số liệu cho thấy tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm tới 70% tử vong trẻ dưới 1 tuổi và trên 50% tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Vượt qua thách thức - quyết tâm thực hiện cam kết BS. Graham Harrison - Đại diện cơ quan Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho rằng sự phê chuẩn Kế hoạch hành động Quốc gia vì sự sống còn trẻ em nói lên cam kết của Bộ Y tế Việt Nam trong việc đưa kế hoạch cứu sống trẻ em vào chương trình ưu tiên của ngành y tế nhằm giảm tử vong và bệnh tật trẻ em. Kế hoạch này đã đưa ra các mục đích và mục tiêu rõ ràng cũng như các giải pháp tổng thể để đạt được các mục đích và mục tiêu đặt ra. Để có các kết quả và tác động tốt, việc thực hiện kế hoạch đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp trong việc lập kế hoạch, đầu tư nguồn lực, thực hiện và điều phối các chương trình sức khỏe trẻ em. Kế hoạch này phải được thực tế hóa ở cấp thực địa tại từng huyện, từng tỉnh của Việt Nam. Các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch tăng cường giảm tử vong trẻ em ở địa phương mình bởi hơn ai hết, họ là cơ quan nắm rõ nhất tình hình sức khỏe trẻ em tại địa phương. Theo TS. Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế, để hoàn thành kế hoạch hành động vào năm 2015, ngành y tế phải nỗ lực hơn nữa nhằm bảo đảm các can thiệp thiết yếu vì sự sống còn trẻ em đến được với tất cả trẻ em trên toàn quốc. Trên cơ sở kế hoạch quốc gia, các địa phương phải thống nhất việc lập kế hoạch thực hiện các hoạt động can thiệp cụ thể tại từng địa phương nhằm đảm bảo các chỉ tiêu đã đề ra. Thứ trưởng nhấn mạnh, việc thực hiện kế hoạch hành động này cũng đồng thời là hưởng ứng Chiến lược vì sự sống còn trẻ em của WHO/UNICEF khu vực và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em đạt mục tiêu Thiên niên kỷ mà Chính phủ ta đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Theo SK&ĐS |