Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bao giờ hồi sinh đồ chơi truyền thống?


Đã qua nhiều năm sôi nổi tôn vinh văn hoá, phục hồi di sản mà một thứ "hồn vía" quê hương vẫn chưa có dịp được "mở mày mở mặt". Đó là đồ chơi truyền thống - nơi lưu giữ những ký ức và tâm hồn ấu thơ của cả trẻ con và người lớn.

Đâu rồi nét xưa?
Không cần nói thêm về tác hại vừa lộ diện, vừa tiềm ẩn mà đồ chơi quái dị, đồ chơi bạo lực gây ra. Điều đáng nói là dù dư luận đã lên tiếng mạnh mẽ nhưng khắp các phố phường vẫn nhan nhản loại đồ chơi dễ gây hại.

Trong khi đó, đồ chơi truyền thống không vắng bóng hẳn nhưng rõ ràng bị lấn át. Vẫn có đèn ông sao, mũ sư tử, trống ếch, những chiếc mặt nạ người hay con vật được bồi giấy... nhưng tất cả dường như lặng lẽ trước sự hào nhoáng, sặc sỡ của các loại ô tô, xe máy, người máy, tàu hoả, các bộ xếp hình hay đao kiếm, súng ống nhiều kiểu và đủ thứ mặt nạ. Trong xã hội tiêu dùng, tâm lý ưa sự tiện lợi, hào nhoáng, "sính" những cái mới, cái lạ, cái bạo lực, ghê rợn... xâm nhập vào việc mua đồ chơi cho con trẻ đã khiến cho nét dung dị, hồn hậu, gần gũi tự nhiên, khơi gợi trí tưởng tượng từ đồ chơi truyền thống có quá ít cơ hội được tiếp cận với lớp măng non. Vì thế lớp trẻ, được chăm bẵm trong môi trường vật chất đủ đầy, thích chơi những thứ có nhiều âm thanh, màu sắc, cũng dần cảm thấy những thứ quá "xoàng xĩnh" kia trở nên xa lạ.

Trẻ em với đồ chơi truyền thống.

Nghịch lý đồ chơi
Khi đồ chơi truyền thống tưởng như lay lắt và chỉ tạm nuôi được số ít nghệ nhân và thợ giỏi tiếc nghề thì nhiều nghịch lý vẫn làm xã hội và các bậc phụ huynh đau đáu. Chưa nói đến đồ chơi kiểu mới, mà ngay đến đồ chơi truyền thống với giá rẻ và nguyên vật liệu dễ kiếm thì nhiều trẻ em nhà nghèo vẫn ít hoặc không có điều kiện tiếp cận, sở hữu. Ông Bùi Duy Sáng, phụ trách ban Văn xã của xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội tâm sự: Xã nghèo nên rất ít điều kiện cho trẻ em vui chơi, phụ huynh cũng khó mà sắm đồ chơi cho các cháu. Chỉ có mỗi dịp Trung thu, các thôn tổ chức cho trẻ em sinh hoạt thì các nhà lại đóng góp một chút để mua bánh kẹo. Trong khi đó, theo bác Đặng Đình Quản, 70 tuổi ở thôn tò he Xuân La, xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội thì tò he vẫn được nhiều lứa trẻ con thích lắm! Các dịp hội hè lễ Tết, bác làm không kịp, có hôm không đủ mà bán. Thực tế các kỳ lễ hội Trung thu và đón Tết tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học, nhiều em ở Hà Nội vẫn hứng thú với các trò truyền thống như làm diều, nặn tò he, làm pháo đất, đèn kéo quân... với sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Trung tâm Cenforchild đã nhiều lần tổ chức vui chơi, tham quan và tạo tác đồ chơi truyền thống cho trẻ em một số địa phương nghèo. TS. Nguyễn Thị Hường - Giám đốc Trung tâm cho biết: Các em rất hứng thú bởi không mấy khi được tham gia và cơ hội để vui chơi như thế còn quá ít. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải tạo môi trường vui chơi và bày cách chơi cho trẻ em.

Thách thức sống còn!
Thời gian qua, dư luận quan tâm đến dự định của Trung tâm là xây dựng Bảo tàng đồ chơi tại Quốc Oai - Hà Nội. Đây là ý tưởng hay cho việc lưu giữ, nghiên cứu đồ chơi truyền thống, tạo không gian vui chơi, tiếp cận và sử dụng đồ chơi cho trẻ em ngay tại bảo tàng. Tuy nhiên, để quyết định "khả năng sống" trong xã hội hiện đại cho đồ chơi truyền thống thì ngoài một đơn vị sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy, vai trò rất quan trọng và quyết định không kém lại phụ thuộc vào những người tạo ra đồ chơi truyền thống. Những nghệ nhân, thợ lành nghề ở các miền quê qua nhiều năm nhiều tháng vẫn chỉ tạo tác ra gần như một số món đồ chơi duy nhất. Nhưng yêu cầu nay đã khác và gay gắt hơn, đòi hỏi người tạo tác, sản xuất đồ chơi truyền thống phải nghiên cứu cải tạo mẫu mã và nâng cao chất lượng để đồ chơi hấp dẫn, cuốn hút hơn. GS. Tô Ngọc Thanh cho rằng: Đã đến lúc chúng ta nghĩ về mẫu mã đồ chơi truyền thống, kết hợp bảo lưu với nghiên cứu tăng độ bền và tiến tới xuất khẩu.

Như vậy đồ chơi truyền thống không nên chỉ "đứng yên một chỗ" mà cùng với những sản phẩm có tính chất mẫu gốc, lưu giữ bản sắc, rất cần những đổi mới để đa dạng hoá và phù hợp đời sống hôm nay và tương lai. Khi ấy, nghiên cứu sáng tạo đồ chơi "dân gian mới" không phải là điều viển vông.

Theo SK&DS