Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

TP HCM bùng phát dịch đau mắt đỏ


Nhiều học sinh phải nghỉ học vì sợ lây cho bạn, đặc biệt, có lớp 25 học sinh thì hơn 10 em đã bị đau mắt đỏ. Các bác sĩ chuyên khoa cho hay, bệnh đang trở thành dịch và phụ huynh cần phải quan tâm phòng ngừa.

Tại trường mầm non 175, quận Gò Vấp, các giáo viên cho hay, nếu đầu tuần trước chỉ có vài học sinh của trường bị đỏ thì đến những ngày cuối tuần, số lượng trẻ bị đau mắt đỏ đã tăng lên thấy rõ. Cá biệt, có lớp gần nửa số học sinh mắt đỏ hoe và sưng to phải nghỉ học.

Không quá nguy hiểm vì ít gây tai biến, tuy nhiên bệnh đau mắt đỏ lây lan rất nhanh và gây trở ngại cho sinh hoạt của người bệnh. Ảnh: Thiên Chương.

Tình hình cũng xảy ra tương tự tại các trường mầm non và tiểu học tại quận Bình Thạnh, Tân Bình, quận 8, quận 6... Theo lời một số thầy cô, không ít học sinh sau khi bị đau mắt đỏ đã lây cho các bạn ngồi cạnh, thậm chí lây cả cho giáo viên khiến nhiều thầy cô lên lớp phải mang kính đen.

Đến khám tại bệnh viện mắt, chị Huyền, nhà ở phường 25, quận Bình Thạnh cho biết, chỉ một ngày sau khi lớp bán trú mà con chị đang theo học có ca bệnh, hàng chục học sinh khác đã bị lây. "Hiện giờ gia đình tôi cả 5 người đều đã bị đau mắt đỏ", chị Huyền nói.

Trao đổi với VnExpress.net về hiện tượng trên, tiến sĩ Trần Thị Phương Thu, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM cho hay, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) do virus đang trở thành dịch cấp.

"Trong số trên 200 bệnh nhân đến khám mỗi ngày tại viện, khoảng 30% mắc bệnh đau mắt đỏ. Dịch đang tăng có dấu hiệu lây lan rất nhanh. So với năm 2008, tình hình đau mắt đỏ trong thời điểm hiện nay tăng gấp hai lần", bà Thu nói.

Bà Thu cho biết, khi mắc bệnh, bệnh nhân thường có cảm giác cộm hoặc nóng trong mắt, chảy nước mắt. Mi mắt sau đó có thể sưng và mắt bị đỏ. Trường hợp nặng hơn có thể gây đổ ghèn (nhất là sau khi ngủ). Bệnh thường bắt đầu từ một mắt sau đó có thể lây sang mắt thứ hai sau một vài ngày.

Để phòng ngừa dịch lây lan, bác sĩ Thu khuyên mọi những trường học hoặc gia đình có người mắc bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc phòng bệnh như người bệnh phải dùng khăn, chăn màn, gối và vật dụng cá nhân riêng, đồng thời nên đeo kính khi tiếp xúc với đám đông. Học sinh mắc bệnh không nên cho ngủ chung với học sinh khác, đồng thời nếu có trường hợp mắc bệnh, nên cân nhắc cho các em nghỉ học từ 1-2 hôm.

Việc dùng Vitamin C kèm ăn uống đủ chất với người chưa mắc bệnh là cách tốt giúp sức khỏe cơ thể kháng bệnh.

Cũng theo bác sĩ Thu, việc dập bệnh ngay từ đầu, tỏ ra hiệu quả vì ít gây biến chứng và hạn chế việc lây sang mắt thứ hai hoặc lây cho người khác. "Ngay khi thấy mắt có biểu hiện bệnh, người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng dung dịch muối sinh lý hoặc nhỏ kháng sinh Natri-Clorua. Nếu sau hai ngày không giảm thì nên đến bệnh viện khám", bà Thu nói.

Với những trường hợp mắt bị sưng, người bệnh có thể chườm nước lạnh. Đặc biệt không nên nghe lời đồn dùng những loại lá cây lạ xông khói cho mắt hoặc không nên uống trụ sinh để trị bệnh.

Theo VnExpress