Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bác bỏ quy định “trần giá sữa”: Mừng hụt


Đề xuất ban hành thông tư quy định "trần giá sữa" của Vụ Chính sách thuế đã bị Bộ Tài chính bác bỏ, điều này khiến không ít người tiêu dùng (NTD) hụt hẫng.

Bởi sự chờ đợi giá sữa sẽ "xuống thang" nhờ áp trần đã tiêu tan. Các chuyên gia cho rằng, nếu không có biện pháp khác để kiểm soát, giá sữa ngoại sẽ tiếp tục "lộng hành".

Những biến động của thị trường sữa luôn là vấn đề được nhiều người tiêu dùng quan tâm. (Ảnh: Chí Cường).

Cơ hội cho sữa ngoại "lộng hành"
Bộ Tài chính đã ra quyết định bác bỏ phương án quy định "trần" đối với các loại sữa nhập khẩu. Lời giải thích cho việc bỏ phương án này là không phù hợp với các quy định hiện hành bởi sữa không phải mặt hàng thuộc nhóm phải quy định giá trần.

Hơn nữa, với hơn 1.000 mặt hàng sữa, giá cả luôn thay đổi nên việc đưa ra "khung giá trần" là điều không khả thi. Trước phương án bác "trần giá sữa", các chuyên gia đều cho rằng, về khách quan sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh nhưng thực tế thì ngược lại vì đây là giải pháp vẫn được áp dụng từ trước đến nay.

Ông Đỗ Gia Phan, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: "Nếu không đưa quy định trần giá sữa, Bộ Tài chính cũng nên nhanh chóng đưa ra những biện pháp quản lý giá hữu hiệu khác. Để tình trạng thả nổi như thời gian vừa qua thì giá sữa ngoại vẫn có cơ lộng hành".

Nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã tin dùng sữa nội hơn. (Ảnh: Đức Trí)

Nhận diện những chiêu... lách luật
Ông Trần Tuấn Khải, TGĐ Cty cổ phần sữa Quốc tế cũng cho rằng: Những chiêu lách quy định chi cho quảng cáo của sữa ngoại ảnh hưởng mạnh nhất đến giá bán. Theo quy định, doanh nghiệp sản xuất sữa không được chi quá 10% cho quảng cáo tính trên tổng doanh thu nhưng các nhãn sữa nhập ngoại đang có những cách lách quy định này rất tinh vi.

Chẳng hạn: Nhập cho một cơ sở nào đó 100 hộp sữa nhưng chỉ tính 70 hộp, 30 hộp còn lại thực chất là quảng cáo; Một năm có đến 4- 5 lần in tờ rơi quảng cáo nhưng khoản chi này được chuyển sang khâu sản xuất với cớ là tờ hướng dẫn sử dụng; Đưa ra các sản phẩm bán kèm loại hàng độc như khăn tắm, mũ, bình sữa, cốc nhỏ... nhưng giá không đổi; Tặng túi xách cho NTD nhưng viện cớ là túi dùng để đựng sữa; Hay các khoản chi hỗ trợ chi phí bán hàng nhưng trên giấy tờ là chi cho sản xuất kinh doanh... những khoản chi nói trên rất hiệu quả, lôi kéo được NTD.

Với những cách lách luật tinh vi này, các hãng sữa nhập ngoại chỉ cần khai chi cho quảng cáo khoảng 7- 8%/năm trong khi con số thực vượt xa gấp nhiều lần. Do đó, để kiểm soát chặt cần đưa ra những quy định rõ ràng và cụ thể hơn cho sản phẩm sữa.

Chị Nguyễn Thanh Nga, đại lý sữa Phi Nga (phố Trường Thi, TP Thanh Hóa) thừa nhận: "Bán một hộp sữa ngoại lợi gấp ba lần sữa nội. Nhiều nhãn sữa ngoại thành công nhờ khuyến mãi lớn mặc dù mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam khoảng 3 năm nay nhưng đã nhanh chóng lấy được sự quan tâm của NTD nhờ những chương trình: tặng xe đạp, quay thưởng xe ô tô"... Một hãng sữa ngoại khác lại quảng cáo ầm ĩ chương trình khuyến mại đổi nắp lon sữa lấy bộ học cụ năng khiếu, bình nước uống, máy đo huyết áp...

Ông Nguyễn Viết Tịnh, Chánh văn phòng Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định: "Khuyến mãi là hình thức móc túi khéo NTD. Vì có khuyến mãi mới thu hút được sự chú ý của khách hàng. Thực chất những chương trình này chỉ nhằm đẩy nhanh tiến độ và tăng doanh số bán hàng chứ không nghĩ đến lợi ích của khách hàng. Điều này thể hiện ở nhiều chương trình tặng quà: chẳng hạn trong một chương trình tặng xe đạp của một nhãn sữa ngoại không chuẩn bị tốt số lượng quà tặng đã phải khất nợ quà với khách hàng quá lâu; thậm chí, bên tặng quà còn "sơ ý" không kiểm tra chất lượng, mua cả phải hàng dỏm...".

Nhiều chuyên gia cho rằng, để NTD đỡ bị thiệt thòi, các cơ quan chức năng cần phối hợp liên ngành để quản lý giá cả, chất lượng, bảo đảm cho NTD được mua đúng giá trị thật của sữa. Đồng thời, cần bổ sung chi tiết, cụ thể hơn với quy định chi cho quảng cáo- kẽ hở cho sữa ngoại mà nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhắc đến.

Bà Mai Thu Hồng, giáo viên Trường tiểu học Hải Thượng (Tĩnh Gia, Thanh Hoá) thổ lộ: "Trước thông tin sẽ có trần giá sữa, tôi mừng vì sữa ngoại sẽ không còn cơ hội đội giá lên cao ngất nữa nhưng bây giờ thì niềm hy vọng đó không còn. Nhưng tôi nghĩ, Bộ Tài chính cũng không nên khoanh tay đứng nhìn giá sữa ngoại cao hơn tới 46% so với sữa nội theo kết quả khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố".

Chị Trần Hương Giang, Hội phụ nữ xã Đông Anh (Đông Sơn, Thanh Hoá): "Tôi hơi hẫng vì giá sữa không được quản trong khi đây là khoản chi rất lớn trong gia đình, nó ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, nhờ hoạt động tuyên truyền, thời gian qua chúng tôi không còn mua sữa bằng những cảm quan thiếu cơ sở như qua thương hiệu, bao bì, quảng cáo và giá cả đã làm nên sự khác biệt giữa các hãng sữa nữa. Tôi ngộ ra rằng, NTD đang bị "móc túi" khi phải bỏ ra số tiền cao hơn giá trị thực gấp nhiều lần để mua "niềm tin ảo" với mong muốn con cái họ uống sữa nhập khẩu cao cấp sẽ khỏe hơn, cao hơn, thông minh hơn...".

Theo Giadinh.net