Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phản ứng của thai với âm thanh


Tai của bé bắt đầu hình thành vào tuần thứ 8 của thai kỳ và hoàn thiện ở tuần thứ 24. Thông qua siêu âm và các thiết bị khác, bác sĩ có thể xem xét phản ứng của bé với âm thanh bên ngoài.

Nhiều nghiên cứu chứng minh, thai nhi có khả năng nghe được âm thanh, dù âm thanh bị bóp méo (giống tiếng "rè rè" của máy hút bụi). Tuy nhiên, sang đến đầu quý III, bé có thể nghe được âm thanh còn nguyên vẹn. Hình ảnh siêu âm cho thấy, bé khẽ quay đầu khi phản ứng với tiếng động.

Với những âm thanh quá to, bé dễ bị mệt mỏi do phải thay đổi nhịp tim, tăng chuyển động và tăng bài tiết nước tiểu. Nhiều thai phụ nhận thấy, bé xuất hiện những cú đá hoặc bị giật mình khi một chiếc ôtô nổ máy hoặc tiếng đóng sầm của một chiếc cửa.

Phản ứng với giọng nói của mẹ

Nhịp tim của bé khá chậm rãi khi nghe được giọng nói của mẹ. Vì thế, bé còn có khả năng phân biệt giọng nói của mẹ và thoải mái với điều đó. Ngoài ra, bé cũng dễ dàng nhận diện được giọng nói của bố nếu bố thường xuyên giao tiếp với bé.

Âm nhạc với sự phát triển bộ não của bé

Một số nghiên cứu cho biết, nhạc cổ điển có tác dụng kích thích bộ não cho bé. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa khẳng định, chưa có bằng chứng nào kết luận thai nhi được nghe nhạc sẽ thông minh hơn. Không những thế, nếu lúc nào cũng cho tai nghe vào bụng bầu, giấc ngủ và sự phát triển tự nhiên của bé trong bụng mẹ sẽ bị xáo trộn.

Người mẹ cần tạo thời gian để bé đón nhận âm thanh từ những câu chuyện và hoạt động thường ngày bên ngoài bụng mẹ. Điều này giống như bước đệm để bé làm quen với thế giới bên ngoài, khi chào đời. Tương tự, ngoài nhạc cổ điển, có thể cho bé nghe thêm nhạc Pop, jazz hoặc thánh ca... nhưng nên giới hạn thời gian hàng ngày.

Theo Mevabe