Luôn lo sợ những vị "công chúa", "hoàng tử" bé của mình bị tổn thương, một số bậc phụ huynh đã kĩ càng "gói bọc" những báu vật của mình bởi một chương trình giáo dục thật khắt khe. Nhưng với chương trình giáo dục đơn độc này, nhiều trẻ đã phát triển trở nên lập dị với cộng đồng xung quanh. Trăm mối lo Nhiều học sinh chịu một chương trình "kiểm duyệt bạn bè" gắt gao từ phía phụ huynh nên xa cách với bạn bè (ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: M.P) Ảnh minh họa Vậy mà trên thực tế, các bậc phụ huynh còn trăm nỗi lo hơn thế. Mẹ bé Nam (Thái Thịnh) luôn sợ con bị thương khi chơi các trò "vận động mạnh" như bóng đá, đi xe đạp... Tuy đã 11 tuổi, nhưng hàng ngày cậu "bé" cao 1.5m nặng 45kg vẫn được mẹ đưa đưa lên tận lớp, lau dọn bàn ghế và dặn dò trăm ngày như một "Ra chơi con không được chơi đá lon khẻo xước chân, không được chạy nghịch kẻo ngã, không được ra nắng không ốm...". Tiết mục dặn dò ngày nào cũng kéo dài từ lúc chấm sao đỏ cho tới khi trống đánh xếp hàng. Giải pháp duy nhất cho bé ngoan vâng lời mẹ là giờ ra chơi ngồi nguyên một chỗ để tránh bị thương, tránh bị bẩn, tránh bị ốm. Không chỉ lo con bị tổn thương về mặt vật chất, nhiều bậc phụ huynh còn lên một chương trình "kiểm duyệt bạn bè" gắt gao vì sợ con bị tổn thương tinh thần. Lo sợ con học thói nói tục chửi bậy của bạn bè quanh xóm ngõ, cô T.Lan (khu Thanh Nhàn) chiều nào cho con ra sân chơi cũng kè kè "theo dõi" đứa nào nói tục, chửi bậy là cho vào danh sách đen. Hai mẹ con cô Lan đã có nhiều buổi "trao đổi" thật người lớn với chủ đề: "Con không được chơi với bạn này, con chỉ được chơi với bạn kia". Danh sách "được chấp nhận" của cô Lan ngày càng ngắn dần vì ngày càng có nhiều đứa "mới nứt mắt đã tập tành hư đốn". Cảnh giác cao với những tấm gương trong báo về việc trẻ mải chơi quên học, nhiều bậc phụ huynh đã ra kỉ luật sắt, lên một lịch học dày đặc cho "các thiên tài" mai sau. Mặc dù đã 5 năm đạt học sinh giỏi, nhưng bé Hồng (Cầu Giấy) vẫn không có thời gian chơi vì "phải cố gắng hơn nữa". Vừa đặt chân về nhà, ngay lập tức Hồng được mẹ nhồi nào bánh ngọt, nào sữa và ép lên buồng học bài. Lý giải cho sự lựa chọn này của mình, phụ huynh bé Hồng nói: "Cả ngày học ở trường, tối phải đi học thêm, chỉ còn mỗi buổi chiều không học thì lúc nào làm bài về nhà được." Chương trình giáo dục đơn độc Dấu hiệu phổ biến ở những trẻ em bị gò mình vào chương trình giáo dục đặc biệt của cha mẹ là thái độ không tự tin, rụt rè, nhút nhát. Trong khi các bạn cùng trang lứa thoải mái nô đùa, tìm hiểu thiên nhiên, thỏa mãn tính hiếu kì của tuổi thơ thì các cậu ấm cô chiêu chỉ biết thu mình lại, nhìn thế giới xung quanh với đôi mắt nửa thèm thuồng nửa sợ sệt. Bé Nam vì nghe lời mẹ, giờ ra chơi nào cũng ngồi một chỗ, khi chán quá thì đi lang thang từ tầng 5 xuống tầng 1, không dám ra sân trường sợ bị các bạn xô đẩy, sợ bị nắng, sợ bị bẩn. Tuy đã là một chàng trai 11 tuổi nhưng mắt Nam lúc nào cũng ngơ ngác như em bé lạc mẹ. Các bạn cùng lớp gọi em với những biệt danh khó nghe như Nam vịt, Nam ngố, Nam béo .... Nhiều trẻ chịu chương trình "giáo dục đặc biệt" của phụ huynh trở nên rụt rè, nhút nhát (ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: M.P) Ảnh minh họa Trẻ em không được hoạt động, vui chơi đúng với nhu cầu của lứa tuổi cũng khiến các em trì trệ, không phát triển được về tâm lý. Thường thấy những đứa trẻ thế này không được "chính chắn" như các bạn cùng tuổi. Để giải quyết bất cứ một vấn đề gì, các em cũng phải đợi sự chấp thuận của người lớn. "Chàng trai bé" Nam đã nổi tiếng với phi vụ "ị đùn" trong lớp 5A vì nghe lời cô "trong giờ học không được đi ra khỏi lớp". Thậm chí ngay cả ở nhà, mỗi lần đi vệ sinh Nam cũng phải thông báo "Mẹ ơi con đi vệ sinh nhé!". Nếu mẹ chưa nghe tiếng, chưa ừ chấp thuận thì Nam cũng phải gào lên cho tới khi nào nhận lệnh chấp thuận thì thôi. Tuy nhiên, chính những đứa trẻ này lại là những "phần tử" dễ nổi loạn nhất bởi các em không được tiếp xúc thường xuyên với bạn bè, với xã hội nên thường phản ứng mạnh trước các tình huống khó chịu. Mỗi lần bị trêu trọc nhiều, Nam lại nổi xung lên và đánh các bạn những trận đòn chí tử. Chiến tích của Nam là những cục u trên trán khi cố đập đầu bạn vào tường, những vết xước dài trên má khi đấm bạn tím bầm mắt. Không xác định được đâu là đùa đâu là thật, với chiều cao và cân nặng vượt trội của một đứa trẻ 11 tuổi, nhiều lần nhà trường đã phải triệu tập phụ huynh Nam tới vì những thương tích em gây ra cho bạn cùng lớp. Làm bạn với tivi, máy tính... cho an toàn Hậu quả của sự lựa chọn này thật xót xa với một loạt các em nhỏ nghiện game, mê hoạt hình, ì ạch thiếu sức sống. Gần đây, dư luận đã xôn xao với trường cai nghiện game tại Tam Đảo với một số lượng tương đối những em bé 8, 9 tuổi. Không có cơ hội tiếp xúc với "bạn thật", các em đã đắm đuối với thế giới ảo, với những trò chơi điện tử miên man để tới lúc thành "nghiện" lúc nào không hay. Ảnh hưởng của nền giáo dục từ lúc còn non còn tác động mãi tới tương lai rất lâu sau này của các em. Trong một chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" trên kênh FM, nhiều người nghe không khỏi cảm thấy chua xót cho trường hợp một bạn nữ 18 tuổi với tâm sự cô đơn. Vốn được sống trong sự đùm bọc quá lớn từ nhỏ, H không có một người bạn nào thật sự. Tìm đến với chương trình, H tâm sự "Hồi cấp 1, mẹ không cho em chơi với bạn nào vì sợ em bị nhiễm thói hư. Lên cấp 2, không có bạn nào chơi với em mặc dù em đã rất cố gắng kết bạn. Tới cấp 3 có một bạn cũng đồng cảnh ngộ như em, hai người bạn tới với nhau vì thông cảm nhưng không hiểu vì sao thời gian gần đây, bạn ấy cũng dần xa lánh em. Em rất buồn vì đó là người bạn duy nhất của em từ nhỏ tới giờ". Mong tìm được những lời tâm tình, mong tìm được tình bạn, một lần nữa H lại làm bạn với người bạn vô tri - chiếc điện thoại - để chia sẻ những tâm sự của mình. Vẫn biết cha mẹ nào cũng thương con nhưng nhiều khi tình thương ấy lại đi quá đà biến thành những bức tường vô hình, cản trở các em nhỏ được phát triển một cách đầy đủ. Mặc dù hiện nay có rất nhiều sách báo, nhiều diễn đàn bàn về việc nuôi dạy trẻ nhưng một bộ phận phụ huynh vẫn bảo thủ với chương trình "miễn nhiễm" của riêng mình. Theo VnMedia.vn |