Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Từ năm 2010 - 2011: Sẽ không cho điểm HS lớp 1 ở học kỳ I


Năm học 2009-2010 chỉ mới bắt đầu được hơn một tháng nhưng phụ huynh HS khối lớp 1 đã "kêu" rằng chương trình quá nặng. Báo Phụ Nữ đã trao đổi với ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD-ĐT TP.HCM, xung quanh vấn đề này.

* Thưa ông, có phải chương trình lớp 1 quá nặng?
- Chương trình cải cách từ 1981 - 2002 có nhiều khuyết điểm, HS học xong lớp 1, sau ba tháng nghỉ hè thì... quên hết. Vì thế ở học kỳ I của chương trình mới, chúng tôi dạy nhiều phần âm, vần. Sang học kỳ II, HS được ôn lại âm và vần trong các bài tập đọc, để sau khi học xong lớp 1, HS sẽ đọc tốt và không quên. Chương trình tổng thể thì không nặng! Tuy nhiên, PH cứ thích con mình mới vào lớp 1 là phải đọc sách báo được và tự hào vì điều đấy. GD là một quá trình lâu dài, và mục tiêu của lớp 1 là các em đọc được, viết được.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM dự giờ HS lớp 1 tại trường Tiểu học Võ Trường Toản (Q.10)

* Nhiều PH có con học lớp 1 đang rất bức xúc về việc bắt các em viết chính tả. Chính tả được hiểu thế nào?
- Trong phần học vần đến tuần 25 có phân môn chính tả: GV viết một câu, một đoạn trên bảng cho HS chép lại. Trước tuần 25, học âm nào thì GV kiểm tra đọc âm đó, vần đó, để HS viết lại trên bảng con. Nhiều năm qua, Sở đã chỉ đạo không nâng cao, không mở rộng, chỉ dạy trong chuẩn kiến thức. Tuy nhiên, do nhiều HS đi học trước, nên các GV yếu bản lĩnh sư phạm đã lúng túng.

* GV dạy lớp 1 khi dạy theo số đông HS đã biết chữ khiến các em chưa biết chữ bị áp lực. Sở GD-ĐT có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này?
- Bộ mới ra thông tư hướng dẫn đổi mới dạy học. Chúng tôi soạn dự thảo rằng, từ năm học 2010 - 2011, ở học kỳ I lớp 1, sẽ không cho điểm, mà GV chỉ ghi nhận xét sau mỗi bài. Như, "đã học trước, đọc tốt, viết đẹp"; hoặc "chưa học trước, có cố gắng, đọc được, viết được, nhưng nét sổ còn run tay". Không còn chuyện em học trước được 10 điểm, em không được học trước bị điểm 2, 3! Dựa vào những nhận xét này, GV (và cả PH) sẽ biết phải làm gì để hoàn thiện cho HS.

Chúng tôi cũng đề nghị biên soạn "sổ tay cha mẹ HS", để ai cũng biết tâm lý, sinh lý và khả năng tiếp thu của trẻ; quyền hạn của hiệu trưởng, của GV, HS; chấm điểm như thế nào; khiếu nại ở đâu... Những thông tin này giúp PH hiểu được "toàn cảnh" ở lớp 1 ra sao.

* Nếu GV không chạy theo số đông HS đã biết chữ thì những HS học trước sẽ chán học?
- Không có trường nào yêu cầu HS vào lớp 1 phải biết chữ, nhưng PH cứ muốn vậy. GV lại lúng túng trước thực tế đó, dù thực ra có rất nhiều cách giải quyết. Nếu lớp học 40/50 HS biết chữ trước thì GV cho những em này rèn chữ, để dạy kỹ cho 10 HS còn lại. GV phải biết động viên HS mới bắt đầu được học chữ.

* Nhưng sĩ số HS hiện quá đông, làm sao GV có thể dạy "cá thể" được?
- Đúng! Có thể ví lớp học là một chiếc xe chở tối đa 35 HS, nhưng phải chở đến 50 HS, lại không được chạy chậm, mà phải chạy đúng tiến độ, đi đến mục tiêu an toàn, thì rất khó. Chưa kể GD hiện còn thiếu sân chơi, bãi tập, trang thiết bị và trường lớp... Chẳng lẽ đó là lỗi của ngành GD? Ai cũng đòi hỏi chất lượng, nhưng có ai lo chất lượng cuộc sống cho người GV?

* Từ khi được "tháo khoán" chương trình, lại xảy ra hiện tượng GV lo dạy sớm?
- Hướng dẫn của Bộ về tự chủ trong tiết dạy, quy định tự chủ gắn liền với tự chịu trách nhiệm. Tùy tình hình, GV có thể thiết kế tiết dạy phù hợp, nhưng tuyệt nhiên không được bỏ tiết, vượt tiết.

* Xin cảm ơn ông!

Theo PNO