Trò chuyện với con em về giới tính: Bắt đầu trước hết tại gia đình Giáo dục giới tính là một tiến trình dài lâu. Nó bao gồm sự phát triển tính dục, sức khoẻ sinh sản, các mối quan hệ xã hội, tương tác cá nhân, tình yêu thương, hình ảnh về thể chất và vai trò giới. Giáo dục giới tính vì vậy phải bao gồm các khía cạnh sinh học, văn hoá xã hội, tâm lý và tâm linh liên quan đến vấn đề giới tính từ lãnh vực nhận thức (thông tin), đến lãnh vực tình cảm (cảm xúc, giá trị, thái độ) và lãnh vực hành vi (kỹ năng truyền thông và kỹ năng quyết định). Cho nên thật sai lầm khi cho rằng giáo dục giới tính là bày vẽ cách quan hệ tình dục hay cách tránh thai! Giáo dục giới tính bắt đầu trước hết tại gia đình Giáo dục giới tính bắt đầu trước hết tại gia đình. Cha mẹ và những người chăm sóc trẻ là những nhà giáo dục giới tính đầu tiên cho trẻ. Ngay từ lúc mới sinh, trẻ đã được học về tình yêu thương, vuốt ve, cưng, nựng và những mối quan hệ trong gia đình. Trẻ học về giới tính khi cha mẹ chuyện vãn, tỏ lòng yêu thương, chơi với chúng, thay quần áo cho chúng, dạy chúng biết các bộ phận của cơ thể. Trẻ lớn dần thì hiểu biết nhiều thêm về các hành vi, thái độ, giá trị giới tính của gia đình mình và môi trường xã hội đang sống. Mỗi tuổi sẽ có cách tiếp cận riêng nhưng nguyên tắc là dạy càng sớm càng tốt, để tránh cho trẻ khỏi bất ngờ khi đối diện "sự thật" ngay trong bản thân mình và người bạn khác giới. Khi dạy đây là cái mũi của con, đây là cái tai của con, thì đây là con "cu" của con, đây là con "chim" của con... để trẻ thấy các cơ quan đó đều "bình đẳng", không phân biệt đối xử. Khi trẻ lớn dần, các thông tin sẽ càng chi tiết hơn. Ở phương Tây, thậm chí cha mẹ thay quần áo trước mặt con cái lúc nó còn bé tí để nó học sự khác biệt của người lớn và trẻ con. Cho nên khi nói về giới tính, là nói đến mối quan hệ xã hội giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa nam và nữ, sự tôn trọng, chăm sóc, thương yêu, công bằng, trách nhiệm... bên cạnh những vấn đề sinh lý, sức khoẻ. Khi trẻ lên 10, 11 tuổi, đã có thể nói đến hiện tượng xuất tinh, kinh nguyệt, kèm chuyện tránh thai, có thai ngoài ý muốn, hậu quả của quan hệ tình dục không an toàn, các thứ bệnh lây truyền qua tình dục... Điều này cũng giúp trẻ biết sợ khi có những quyết định không đúng và biết tự bảo vệ khi cần. Hiện nay, nguồn phim ảnh, internet có những thông tin không thể kiểm soát được, làm cho trẻ dễ hiểu lầm. Xem phim thấy hai người vừa gặp nhau, nói vài câu đã lên giường làm tình. Điều này ngay cả ở các xã hội "thoáng" nhất cũng không hề có hoặc chỉ là những tình huống đặc biệt được thổi phồng. Các phim gọi là "giáo dục giới tính" nhiều khi chỉ bày cách làm tình một cách thô tục, đa số là cảnh giả, hình giả do kỹ thuật hình ảnh tạo ra. Xem phim cũng là lúc nói với trẻ về tình yêu lửa rơm và tình yêu chân chính, tình yêu chiếm đoạt và tình yêu trách nhiệm. Dù trẻ thấy không giống quan điểm của mình và bạn bè, trẻ cũng sẽ ghi nhận quan điểm người lớn để có sự tham khảo, quyết định chín chắn hơn về sau. Do vậy cha mẹ đừng thấy trẻ phản đối mà ngao ngán, buông xuôi, mặc kệ. Cách nói, giọng điệu khi trao đổi với các em phải rõ ràng, chính xác, khoa học: trong cơ thể chúng ta có những hormon, là chất hoá học làm cho con trai bể tiếng, giọng ồ ề, dương vật to ra, hai tinh hoàn lớn nằm trong hai bìu dái thòng...; con gái thì ngực lớn dần, sau này sinh sữa cho con bú, với những thay đổi ở âm hộ, âm đạo, chuẩn bị thời kỳ khởi sự có kinh nguyệt. Khi nói về những vấn đề này nên có sách, có hình vẽ mang tính khoa học. Dĩ nhiên luôn luôn kèm theo đó là hướng dẫn cách gìn giữ vệ sinh, phòng tránh bệnh tật, và đả phá những thành kiến sai lầm nếu có. Nhiều gia đình bây giờ chỉ có một người cha hoặc mẹ. Mẹ sẽ khó nói với con trai cũng như cha khó nói với con gái. Khó, nhưng không vì thế mà không thực hiện. Có thể nhờ thầy thuốc, thầy cô giáo hoặc bạn bè, bà con tin cậy cùng giới mà trẻ quý mến để có thể thay cha hoặc mẹ trao đổi với trẻ. Đừng quá lo lắng về những câu hỏi "khó trả lời" của trẻ. Đâu có ai biết hết mọi thứ trên đời, nên cách trả lời còn quan trọng hơn nội dung. Không biết thì cứ nói không biết và sẽ tìm hiểu trả lời sau. Phải tự tin, thoải mái, cởi mở thì trẻ sẽ tin cậy.
Phải chuẩn bị trước cho trẻ 11 - 12 tuổi, đừng để muộn, những biến đổi "lạ lùng" của tuổi này, có thể gây sốc, từ chối bản thân hoặc say đắm bản thân! Khi đã hiểu rõ trẻ sẽ chờ đợi, không hoang mang, sợ hãi, thấy kỳ cục nữa. Nhờ vậy sẽ không mất nhiều thì giờ và năng lượng cho sự tò mò mà sẽ dành hết cho học hành. Ta thường thấy trẻ gái học rất giỏi ở các lớp dưới nhưng đến tuổi dậy thì (trung học cơ sở) lại học kém đi vì phải lo bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh như... đau bụng kinh, cùng với những thay đổi lạ lùng, kỳ cục nữa trong cơ thể mình. Con trai cũng có những vấn đề riêng, nào bể tiếng, nào cao lùn, mập ốm, mụn bọc, mụn trứng cá... Một phòng y tế học đường nếu chỉ mở ra để bác sĩ ngồi đó đợi trẻ chảy máu cam, gãy tay gãy chân... mới sơ cứu thì thật... uổng quá. Bác sĩ y tế học đường phải là bác sĩ giỏi về tâm sinh lý lứa tuổi, phải là một tham vấn viên đáng tin cậy cho trẻ và cả phụ huynh, thầy cô giáo. BS Đỗ Hồng Ngọc |