5 năm chưa có trường nào được xây mới! Ông Nguyễn Văn Giàu, Hiệu trưởng trường lo lắng, chính vì không đủ điều kiện của một trường học thông thường nên mục tiêu giáo dục toàn diện không thể đạt được, các tiết học thể dục phải cho các em lên sân thượng, và chỉ có thể bố trí các tiết này vào đầu hoặc cuối giờ chiều vì nóng quá, giờ sinh hoạt chào cờ cũng phải lên đó luôn. Điều hạn chế nữa là nhà trường không thể tổ chức học bán trú cho các em vì điều kiện quá chật chội không thể bố trí chỗ ăn, ngủ được. Nguy hiểm nhất là lỡ xảy ra sự cố hỏa hoạn thì các em chỉ có lối thoát hiểm duy nhất là chạy ngược xuống cầu thang vừa nhỏ vừa khó đi. Tình hình trường học của khối tiểu học trên địa bàn phường 7 của quận này cũng khá ảm đạm, năm nay tăng thêm mấy chục HS nên Trường Tiểu học An Phong phải sửa chữa lại thêm hai cơ sở mới đủ chỗ học cho các em. Tuy nhiên, tại cơ sở chính (có 10 lớp học) dù là vừa mới nâng cấp nhưng tình trạng cũng không khả quan, cứ mỗi đợt triều cường hoặc mưa lớn là sân trường đầy nước, do mặt đường bên ngoài cao hơn sân trường nên những đợt mưa lớn phải mất 6 tiếng đồng hồ nước trong sân trường mới rút. Ở hai cơ sở phụ tình hình còn tệ hại hơn, một cơ sở chỉ có 1-2 lớp học nhưng HS cũng không được thoải mái, sân trường ẩm thấp, phía bên ngoài sát phòng học là một ao nước đen chứa đầy rác thải với mùi thối nồng nặc và đầy rẫy ruồi muỗi mà mỗi ngày HS phải đối mặt. Ông Trịnh Đức Hậu, Hiệu trưởng trường An Phong cho biết, trường phải cử hai giáo viên giỏi nhất xuống đây dạy để phụ huynh an tâm và để giữ HS, hai giáo viên này phải vừa đảm trách việc giảng dạy vừa kiêm luôn lao công trường: từ việc quét dọn, khóa, mở cổng trường mỗi ngày. Không riêng Trường Tiểu học An Phong mà một số trường khác như Tiểu học Nguyễn Công Trứ, THCS Bình An, THCS Bình Đông, THCS Tùng Thiện Vương... đều xuống cấp nặng và sân trường thấp hơn các khu vực xung quanh nên dễ xảy ra ngập lội. Được biết, từ 5 năm nay địa bàn quận 8 chưa có trường học nào được xây mới. Trường mầm non chứa gấp đôi công suất Năm nay, số HS lớp 1 của quận 9 tăng thêm 757 em, vì thế, lượng HS này phải học "ké" các điểm học khác không phải là trường tiểu học. Trường Mầm non Vàng Anh gần đó "gánh" 4 lớp 1, nhà thiếu nhi dành chỗ cho 10 lớp vào đây học (vào buổi sáng vì buổi chiều để sinh hoạt của nhà thiếu nhi). Bà Lê Thị Minh Loan, Phó phòng Giáo dục quận trăn trở: "Thay vì năm nay quận phải xây thêm một trường học thì mới gánh nổi lượng HS này, vậy mà do một trường quá xuống cấp nên phải đập ngay, vì thế vốn đã thiếu nay còn thiếu chỗ học hơn, do đó giải pháp của quận là phải tăng sĩ số và học tạm các nơi khác, cũng do học tạm nên nhiều phụ huynh cũng bức xúc vì cho rằng học như thế không đảm bảo chất lượng: do sân chơi hạn chế, chỉ học một buổi... Chúng tôi phải thuyết phục lắm thì phụ huynh mới đồng ý". Cô Võ Hoàng Ngọc Diễm, Phó hiệu trưởng trường mẫu giáo Mầm non phường 8 (Q8) bùi ngùi, cả phường chỉ có một trường mầm non này nhưng cũng không đúng nghĩa, do cơ sở vật chất trường quá xuống cấp, các điều kiện không đảm bảo nên trường chỉ dám nhận giữ trẻ có một buổi, mà thay vì cả ngày như các trường mầm non khác. Ở trường không tổ chức ăn sáng, ăn trưa, ngủ nghỉ cũng như các vấn đề khác cho trẻ. Trong khi nhu cầu cả phường lên tới 500 trẻ mà trường chỉ tiếp nhận được hơn 80 em, vì thế số còn lại phụ huynh phải gửi qua các phường khác hoặc chạy tuốt qua quận 5 để gửi. Điều nan giải hiện nay là các dự án xây dựng trường học đang gặp nhiều khó khăn như: chưa có đất hoặc vướng đền bù giải tỏa, hoặc đã có đất nhưng chưa được cấp vốn, thiếu kinh phí, đặc biệt có những dự án tưởng đã xong nhưng nay lại đi vào ách tắc, ứ đọng lại do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế hoặc bị dự án khác nằm chồng lên... Và với tiến độ xây dựng trường học theo kiểu "rùa bò lật ngửa" như hiện nay thì không biết các HS còn học tạm bợ đến bao giờ, và trong những năm học tới nữa có lẽ tình trạng này còn trầm trọng hơn. Nói như hiệu trưởng một trường tiểu học quận 8, nếu năm sau không có phòng học mới thì khả năng học sinh phải học ca 3 là điều không tránh khỏi, nhất là HS khối tiểu học, lớp 1, dự kiến trong năm học tới quận này tăng khoảng 5.000 HS. Theo Báo Văn Hóa Online |