Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé hay dỗi mẹ


Thấy mẹ mang túi sữa của mình cho bạn hàng xóm, bé Bông (3 tuổi) liền dỗi mẹ, quay mặt đi, mắt ngân ngấn nước. Nếu mẹ có gặng hỏi thì bé càng làm mặt giận, chạy vào ôm cổ bà nội khóc tức tưởi.

Nếu các bé khác không vừa ý chuyện gì là mè nheo, ăn vạ thì bé Bông thích dỗi, lại dỗi rất lâu. Hòa (mẹ bé) mang bánh ngọt đến dỗ nhưng bé nhất định không chịu ăn. Thấy bóng bà nội, ông nội hay bố là bé chạy tới, khóc to lên như vừa bị mẹ trừng phạt điều gì oan ức lắm.

Hòa kể: "Cháu nói ngọng nên nếu lơ đãng, tôi không biết con muốn gì. Nếu không hài lòng là quay ra dỗi mẹ. Mẹ hỏi cũng không nói, bình thường cháu ít nói. Cháu cũng rất dễ tự ái và mau nước mắt".

Ảnh minh họa

Nhiều lần bực mình vì hỏi mà con không nói, mặt mũi lầm lì, Hòa đánh con rất đau. Hỏa chia sẻ: "Đánh xong lại thấy thương con. Nhưng không biết phải làm sao để con trình bày ý kiến và thôi dỗi vặt".

Mè nheo, hờn dỗi là nét tính cách đặc trưng ở bé
Trong khi phần lớn các bé ở độ tuổi mẫu giáo thích mè nheo thì có một số bé sử dụng "vũ khí" dỗi để ứng phó với những tình huống không hài lòng. Tuy nhiên, nếu mè nheo thường tự nhiên chấm dứt khi bé lớn hơn thì hờn dỗi lại không giới hạn (ngay cả người lớn cũng dùng cách dỗi để gây sự chú ý với người khác).

Cha mẹ không nên vội buộc tội bé hư mà cần xem đó là tính cách bình thường ở bé. Giống như "chú cún nhỏ cần thêm thức ăn", bé dùng chiêu dỗi để nhận được sự quan tâm hơn nữa từ cha mẹ. Điều khó chịu là khi ấy, bé không bộc lộ lòng mình nên cha mẹ không biết cách đáp ứng.

Giai đoạn này, bé đang trong thời kỳ học nói. Do đó, khả năng diễn đạt bằng lời nói của bé chưa thật tốt. Hơn nữa, do bé chưa có kinh nghiệm trong giao tiếp nên bé có thể tự ti vì không truyền tải được điều bé muốn nói. Ngoài ra, bé chưa đủ trưởng thành để kiểm soát được tình cảm nên không vừa ý là bé mè nheo hoặc hờn dỗi.

Để thích nghi với bé hay dỗi, cha mẹ có thể tham khảo vài gợi ý sau:
- Cho phép bé tự do bày tỏ cảm xúc: Nếu bé mè nheo phải đòi bằng được thứ bé muốn (thông qua ngôn ngữ) thì bé thích dỗi muốn gây sự chú ý của cha mẹ bằng ngôn ngữ cử chỉ (mặt buồn, hay khóc, ít nói). Cần nhớ rằng, hành vi này ở bé đã được thay thế cho lời nói, để ám chỉ những gì bé không hài lòng.

- Giúp bé cách bộc lộ cảm xúc: Lúc này, cha mẹ cần bình tĩnh. Nếu cáu kỉnh hay quát tháo, bé sẽ tìm cách thu mình lại, càng khóc nhiều hơn trong khi cha mẹ có thể không tìm ra nguyên nhân. Cha mẹ thử kiểm tra những nguyên nhân khiến bé dỗi như: "Bé chưa muốn đi ngủ", "Bé không thích mẹ ôm hôn các bé khác", "Bé muốn được đi chơi bây giờ"...

Tiếp đến, cha mẹ sẽ giúp bé bày tỏ mong muốn bằng cách đề nghị: "Mẹ biết là con đang buồn. Con có điều gì muốn nói với mẹ không?". Sau đó, có thể hỏi lại những câu mà bạn cho là nguyên nhân khiến bé dỗi; chẳng hạn: "Con muốn đi chơi à?" rồi giải thích lý do có thể đáp ứng bé hay không.

- Phớt lờ bé: Nếu mong muốn của bé là không chính đáng, có thể bỏ qua cơn dỗi ở bé. Do các bé gái mau nước mắt, dễ tủi thân nên cơn hờn dỗi thường xảy đến với các bé gái nhiều hơn. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên thiết lập những quy tắc theo độ tuổi của bé. Nếu bé vi phạm những quy tắc ấy thì dù có dỗi đến mấy, bé cũng không nhận được sự đồng tình từ cha mẹ.

Tuy nhiên, lúc bé vui vẻ hơn, cha mẹ cần trao đổi với bé. Thông qua đó, có thể giải thích cho bé những việc đúng và những việc sai để bé tự nhận thức, thực hành theo.

Theo mevabe