Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hãy để sách là niềm hứng khởi cho con trẻ


Những phương pháp sau là những bước cha mẹ có thể khuyến khích và tạo niềm say mê, yêu thích đọc sách cho con mình:

1. Dạy con tầm quan trọng của đọc sách
Bằng những cách riêng của mình, hãy nói cho trẻ biết tầm quan trọng của việc đọc sách, rằng trẻ được lợi gì từ việc đọc sách.

Dạy cho trẻ yêu đọc sách nhưng bản thân bạn cũng phải là người thích nhâm nhi đọc sách vì trẻ cũng sẽ dễ bắt chước nếu thấy bố mẹ ngồi đọc sách. Để kéo bé vào việc đọc sách, khi bạn ngồi đọc, hãy kiếm cho trẻ cuốn sách phù hợp với con để trẻ cũng có thể cùng đọc với bạn.

2. Tạo hứng thú cho trẻ với việc đọc
Khi con còn nhỏ, trước khi đi ngủ, bạn hãy đọc cho chúng nghe. Hãy làm cho bé có thời gian vui vẻ và cảm thấy thoải mái khi được bạn chia sẻ những cuốn sách hay, lý thú.

Khi con lớn hơn một chút, bạn khuyến khích con tìm chỗ nào thuận tiện và yên tĩnh trong nhà để đọc sách mỗi ngày. Với việc "rèn" con từ nhỏ như vậy, con bạn dần dần sẽ có thói quen đọc sách và có tình yêu với việc "gậm nhấm" các cuốn sách hay, bổ ích.

2. Chọn sách thích hợp với trẻ
Đôi khi trẻ thường tìm những cuốn sách vượt quá khả năng hoặc độ tuổi của mình để đọc. Điều này hoàn toàn không tốt cho trẻ và nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến con bạn.

Để tránh được tình trạng này, bạn có thể giúp con bằng cách chọn mua cho chúng những cuốn sách phù hợp hoặc bạn có thể cùng con đến hiệu sách, hướng dẫn con chọn sách và giải thích lý do vì sao ở tuổi con nên chọn cuốn này mà không phải cuốn khác.

3. Lên kế hoạch đọc sách
Bạn hãy lên kế hoạch cho việc đọc của trẻ, tạo cho chúng những mục tiêu cần đạt, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè hoặc thời gian rảnh rỗi. Ví dụ, bạn hướng cho bé đọc bao nhiêu cuốn sách trong thời gian bao lâu. Mỗi khi đọc xong cuốn sách, bạn và bé có thể cùng nhau trao đổi, nói chuyện về nội dung cuốn sách để tăng thêm hiểu biết và cũng là cách bạn khéo léo kiểm tra con mình.

Khi con đạt được những mục tiêu bạn đặt ra, hãy dành những phần thưởng cho bé. Phần thưởng dù nhỏ nhưng cũng là cách bạn khuyến khích trẻ cố gắng để dành lấy và giúp trẻ tích cực hơn trong việc đọc sách.

4. Tạo thư viện sách
Bạn có thể để sách ở những nơi trẻ dễ dàng lấy được nếu muốn đọc. Và nếu có điều kiện, hãy tạo một thư viện sách nho nhỏ trong nhà. Thư viện này không chỉ bao gồm sách của bạn mà còn nên chứa những cuốn sách khác nhau dành cho trẻ.

Những cuốn sách có hình thức và nội dung khác nhau tạo cho trẻ cảm giác hứng thú, không bị nhàm chán. Trong thư viện, ở khu vực sách thiếu nhi, bạn nên chia ra thành các ô nhỏ như ô dành cho truyện tranh, ô dành cho sách học, ô dành để sách tìm hiểu...

Theo afamily