Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Để trẻ ăn ngon


Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng chỉ cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng là đảm bảo sức khỏe cho chúng là được. Tuy nhiên, chuyện ăn uống cho trẻ còn rất nhiều điều phải bàn đến...

Đối với nhiều bà mẹ trẻ, cho con ăn là một cực hình vì con trẻ luôn lười ăn hoặc có những thói quen khi ăn làm họ đau đầu. Để giúp trẻ ăn ngon miệng và yêu thích những bữa ăn của mình, các bà mẹ nên lưu ý những điều sau:

- Không khí vui vẻ trong khi ăn uống vì vui vẻ sẽ giúp trẻ ăn uống ngon miệng hơn. Không nên thường xuyên ép trẻ nhỏ ăn uống, hoặc trách mắng trẻ trong khi ăn. Nếu làm như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy ăn uống là việc đáng ghét.

- Phải thường xuyên thay đổi khẩu vị món ăn cho trẻ, để trẻ cảm thấy ngày nào cũng có món ăn mới lạ. Các bậc phụ huynh có thể mua một số sách dạy nấu ăn về để tham khảo.

- Cho trẻ cùng tham gia vào công việc nấu nướng (nếu có điều kiện), bởi vì trẻ cảm thấy rất thích ăn những món do mình tham gia nấu nướng.

- Không nên ép trẻ ăn nếu khi đến giờ ăn mà thấy trẻ chưa đói hay không muốn ăn. Nếu như trẻ không thích ăn một món ăn nào đó, có thể tạm thời ngừng món đó và một thời gian sau hãy cho ăn lại.

- Có nhiều loại thực phẩm khác nhau nhưng lại có thành phần dinh dưỡng tương đương. Nếu như thực sự không thích một món ăn nào đó thì có thể chọn một loại thức ăn có thành phần dinh dưỡng tương tự để thay thế.

- Nên có người lớn hướng dẫn nếu không thì trẻ sẽ ăn uống một cách tùy tiện, thấy món gì ngon miệng thì ăn nhiều, những món khác, dù có lượng chất dinh dưỡng phong phú cũng không muốn ăn, hoặc vừa ăn vừa chơi.

- Nên đa dạng thực phẩm để bảo đảm nguồn dinh dưỡng cho trẻ. Hàng ngày có thể ăn từ 10 - 15 loại thực phẩm.

Phải tập cho trẻ có thói quen ăn chậm nhai kỹ. Cách ăn chậm này rất có lợi cho hệ tiêu hoá và các chất dinh dưỡng sẽ được hấp thụ tốt hơn.

- Tập cho trẻ ăn nhiều loại rau quả tươi. Vì đây là biện pháp rất rốt cung cấp các loại vitamin và chất khoáng một cách tự nhiên, giúp phòng chống bệnh tật.

- Tạo cho trẻ có thói quen ăn sáng, không được nhịn đói, vì bữa sáng cung cấp năng lượng chủ yếu cho các hoạt động trong ngày.

- Nên giảm lượng muối, đường, dầu mỡ trong các món ăn để chống béo phì.

- Các loại thực phẩm nấu món ăn cho trẻ phải tươi và sạch sẽ để phòng tránh ngộ độc thực phẩm.

- Phải giữ vệ sinh khi ăn uống, tạo cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn.

- Nên tạo thói quen ăn uống đúng giờ và quy định cho trẻ phải ăn hết phần thức ăn của mình. Nếu như trẻ ăn không hết thì dù một lúc sau trẻ có đói bụng cũng không nên cho ăn vặt. Nếu thực hiện được như vậy thì lâu dần trẻ sẽ có thói quen ăn uống có giờ giấc, có chừng mực.

- Không nên cho trẻ ăn vặt, vì như vậy khi đến bữa ăn chính trẻ sẽ không muốn ăn. Đặc biệt với những thức ăn không có lợi cho sức khoẻ lại càng không nên cho trẻ ăn. Tuy nhiên, ngoài 3 bữa chính ra, cũng cần cho trẻ ăn điểm tâm vào giữa để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể nhưng nhất thiết cũng phải đúng giờ giấc.

Theo Tin Tức