Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Viêm dạ dày ở bé


Nếu bị viêm dạ dày, bé có thể xuất hiện những triệu chứng như tiêu chảy, nôn trớ, đau bụng, sốt, ớn lạnh, đau nhức toàn thân. Tình trạng bệnh nhẹ hoặc nặng, kéo dài vài giờ đồng hồ hoặc vài ngày.

Dấu hiệu nên đưa bé đi khám

Nên đưa bé đi khám ngay khi bạn nghi ngờ bé mắc chứng viêm dạ dày; bé nôn trớ kéo dài hai ngày hoặc hơn; bé đi tiêu lẫn máu hoặc bé quấy khóc không ngừng; bé bị sốt.

Cũng nên đưa bé đi khám nếu bé có những triệu chứng mất nước như sau:

- Giảm đi tiểu (khoảng 6 giờ đồng hồ vẫn chưa tiểu ướt một chiếc tã).

- Liên tục quấy khóc.

- Thóp trũng.

- Khô môi.

- Nhiều nếp nhăn trên da.

- Có dấu hiệu khát nước.

- Khóc không có nước mắt.

- Tay, chân lạnh, đổi màu.

Cách điều trị

Nếu bé bị nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh cho bé. Loại thuốc này không có tác dụng trong trường hợp viêm dạ dày do virus.

Không nên tự ý cho bé dùng thuốc cầm tiêu chảy vì nó sẽ làm sai lệch các triệu chứng của bệnh, khiến bác sĩ khó tiên đoán bệnh.

Nếu bé bị sốt, bác sĩ có thể cho bé uống acetaminophen hoặc ibuprofen (liều phù hợp với bé). Chống chỉ định dùng aspirin cho bé vì loại thuốc này có liên quan đến hội chứng Reye ở bé.

Hiện tượng mất nước sẽ xảy ra nếu bé bị tiêu chảy kèm nôn trớ trong thời gian dài. Tùy thuộc vào mức độ mất nước (nôn trớ bao nhiêu, tiêu chảy thế nào), bác sĩ sẽ chỉ định tiếp nước cho bé. Cách này nhằm thay thế nguồn chất dinh dưỡng, nước đã bị mất. Việc chỉ định bổ sung nước còn dựa trên tuổi và cân nặng của bé.

Trong quá trình trị bệnh, cha mẹ nên "cách ly" bé với thực phẩm nhiều đường như nước hoa quả, nước ngọt... vì chúng chỉ khiến dạ dày bị "ốm thêm". Chứng viêm dạ dày ảnh hưởng tạm thời lên đường ruột, làm việc tiêu hóa đồ ngọt khó khăn hơn.

Dinh dưỡng cho bé ăn dặm

Nếu bé đã bước vào tuổi ăn dặm, chứng viêm đường ruột nhẹ (bị tiêu chảy nhẹ, không kèm nôn trớ) nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho bé. Sữa mẹ hoặc sữa công thức không đủ dinh dưỡng với nhóm bé đã bước vào tuổi ăn dặm.

Bác sĩ sẽ quyết định thời điểm duy trì chế độ ăn dặm bình thường ở bé. Một số bé được phép ăn dặm như ngày thường nhưng cũng có một số bé bị cắt thực đơn ăn dặm trong một vài ngày để điều trị.

Nếu đã quay trở lại chế độ ăn dặm, cha mẹ nên cho bé ăn uống như bình thường, tránh thức ăn (đồ uống) nhiều đường, nhiều chất béo. Duy trì thực đơn bao gồm bột ăn dặm (cháo), thịt đỏ, sữa chua, hoa quả tươi và rau xanh. Nên đa dạng thực đơn để bé không bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Chế độ ăn nghèo nàn gồm bột (cháo) trắng, bánh mỳ, chuối sẽ khiến bé bị thiếu protein và chất dinh dưỡng.

Cách ngăn ngừa

Bạn nên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm sau mỗi lần thay tã cho con hoặc trước khi chuẩn bị cho con ăn dặm. Phương pháp vệ sinh này cũng được áp dụng cho những thành viên khác trong nhà hay cho người giúp việc. Cũng nên thường xuyên vệ sinh bàn tay cho bé hàng ngày.

Đảm bảo các điều kiện vệ sinh về an toàn thực phẩm, sơ chế và đun nấu thức ăn.

Để ngăn ngừa virus Rota (yếu tố gây tiêu chảy, nôn trớ và sốt), bé có thể được tiêm 3 mũi văcxin phòng Rotavirus lúc 2-4-6 tháng tuổi.

 Theo Mevabe