Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nếu là phụ huynh, tôi cũng phải cho con học trước.


Ông Lê Ngọc Điệp
Ông Lê Ngọc Điệp - trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM:Nếu là phụ huynh, tôi cũng phải cho con học trước

Lâu nay khi mổ xẻ vấn đề học chữ trước khi vào lớp 1, nhiều cán bộ ngành giáo dục cho rằng nguyên nhân do phụ huynh quá lo lắng, muốn con em phải học giỏi, phải đạt điểm cao... nhưng thực tế cho thấy có nguyên nhân từ phía ngành giáo dục. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Điệp - trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết:
- Tôi không đổ thừa chuyện cho các bé đi học chữ trước là do phụ huynh. Hai trường Bàu Sen, Hòa Bình mà báo Tuổi Trẻ ngày 22-9 phản ánh trong bài "Chưa biết đi đã bắt chạy" đều có nhiều học sinh đi học trước (riêng những khu vực như: Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn... chúng tôi ít thấy những phản ảnh trên).

Trước tình hình này, có trường tiểu học đã xếp lớp theo cách: các học sinh đã học chữ học chung một lớp, học sinh chưa học chữ học chung lớp khác. Riêng với những lớp tập trung cả hai đối tượng học sinh, sở đã tập huấn cho giáo viên dạy lớp 1 và chỉ đạo phải dạy từ bài đầu tiên, xem như học sinh mới vào chương trình.

Sau phần hướng dẫn chung cho cả lớp về nội dung kiến thức bài học, sang phần thực hành giáo viên sẽ giao việc như sau: học sinh đã học chữ thì mở rộng thêm (ví dụ: bé đang học âm "e" thì hãy tìm những từ có âm "e"), đối với học sinh chưa biết chữ thì dạy tập đọc, tập viết như bình thường.

"Trong số 14.000 giáo viên tiểu học ở TP.HCM có người giỏi người dở. Trình độ giáo viên chưa đồng đều khiến xảy ra những chuyện không hay là trách nhiệm của ngành. Biện pháp lâu dài vẫn sẽ phải bồi dưỡng, nâng cao trình độ các thầy cô giáo để đáp ứng yêu cầu dạy học cá thể. Nhưng trước mắt để hạn chế những chuyện không hay, Sở GD-ĐT sẽ nhắc nhở lại chủ trương trong toàn ngành là "không đòi hỏi trẻ 6 tuổi phải học chữ trước khi vào lớp 1; giáo viên lớp 1 phải dạy từ đầu, dạy đúng chương trình, coi như học sinh chưa biết gì".
Bên cạnh đó, tôi sẽ giao cho phòng giáo dục tiểu học tăng cường thanh kiểm tra, lắng nghe tâm tư, bức xúc của phụ huynh và kịp thời giải quyết vấn đề ngay. Những giáo viên vi phạm quy chế của ngành sẽ bị xử lý nghiêm khắc"
Ông HUỲNH CÔNG MINH(giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
* Thưa ông, trên thực tế những chuyện không hay vẫn xảy ra mà người bị tổn thương không ai khác ngoài học sinh. Đặt trường hợp ông là phụ huynh có con (cháu) sắp vào lớp 1, nếu nghe chuyện học sinh bị cô giáo đánh vì viết chậm, ông có cho bé đi học chữ trước không?
- Thật khổ tâm quá, phòng giáo dục tiểu học không thể đi kiểm tra hết các trường được. Việc đánh, mắng học sinh sẽ khiến các em sợ cô giáo, sợ đi học, sợ mà không biết mình có lỗi gì. Có em nằm mơ vẫn còn sợ.

Nếu tôi là phụ huynh và không làm việc trong ngành giáo dục, tôi cũng thấy sợ và cho con mình đi học trước như nhiều phụ huynh khác. Tôi đã nhắc ban giám hiệu các trường phải dự giờ, kiểm tra thường xuyên đối với khối 1 trong tháng đầu tiên của năm học mới. Ban giám đốc sở đã có quy định cho giáo viên ngưng dạy ngay nếu phụ huynh có bằng chứng cho thấy giáo viên đánh cháu.

Trước mắt để hạn chế những chuyện không hay, phụ huynh hãy gửi thẳng đơn hoặc trực tiếp đến phòng giáo dục tiểu học, bản thân tôi sẽ cùng phụ huynh xuống trường giải quyết sự việc.

* Tâm lý phụ huynh rất ngán ngại khi đi kiện cáo này nọ bởi con em họ phải học tiếp ở trường. Hơn nữa thực tế cho thấy có những cách bạo hành học sinh không để lại bằng chứng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng...?
- Tôi đã biết giáo viên có nhiều cách đối xử không tốt với học sinh. Có người không đánh học sinh nhưng lạnh nhạt, mắng mỏ... gây tổn thương tinh thần gấp nhiều lần so với đánh. Phụ huynh đừng ngại khi phản ảnh với chúng tôi. Tôi xin hứa sẽ cho học sinh chuyển sang lớp khác hoặc thậm chí một trường khác nếu có vấn đề xấu xảy ra.

Chúng tôi đang đề nghị với ban giám đốc sở để biên soạn "Sổ tay cha mẹ học sinh tiểu học". Trong đó nêu rõ nhiệm vụ và quyền lợi của phụ huynh: khi có những điều bức xúc cần liên lạc với ai, cơ quan nào sẽ bảo vệ họ...

Qua sự việc báo Tuổi Trẻ nêu, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm với hiệu trưởng nhà trường tiểu học trong việc phân công giáo viên dạy lớp 1. Giáo viên ai cũng được đào tạo sư phạm, ai cũng hiểu rõ các quy định, quy chế của ngành nhưng giáo viên dạy lớp 1 phải là những thầy cô tỉ mỉ, dịu dàng mới có thể dìu dắt học sinh đi từng bước...

Áp lực do giáo viên tạo ra?
* Thưa ông, ông nghĩ sao khi một số giáo viên cho rằng chương trình lớp 1 quá nặng cộng thêm hàng tá các phong trào thi đua đã tạo áp lực cho giáo viên khiến các cô nóng nảy và có những hành động không hay?
- Ông Lê Ngọc Điệp: Sở không yêu cầu trẻ phải học tốt ngay trong học kỳ 1. Hết năm lớp 1 các bé biết đọc là đạt yêu cầu. Nếu có áp lực thì do chính giáo viên đã yêu cầu quá cao, bắt học sinh phải đọc, phải viết được ngay trong học kỳ 1 (thế nên nhiều giáo viên cứ muốn học sinh học chữ trước).

Về phong trào, ngành giáo dục đã bỏ đi khá nhiều: từ lâu TP đã không còn thi học sinh giỏi tiểu học; phong trào thi vở sạch - chữ đẹp và giáo viên giỏi hai năm mới tổ chức một lần với mục đích biểu dương những người làm tốt chứ không thi thố, chạy theo hình thức.

Dự kiến năm học sau chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT xin phép không cho điểm đối với học sinh lớp 1 trong học kỳ 1 để giảm áp lực cho học sinh và cả giáo viên. Thay vì chấm điểm số cụ thể, giáo viên chỉ ghi lời phê, đại loại như: bé có tiến bộ không, cần khắc phục điểm nào, phát huy điểm nào...

Điều đáng nói ở đây là sĩ số học sinh/lớp ở khối 1 nói riêng và bậc tiểu học nói chung hiện nay cao đến mức báo động, gây quá tải cho giáo viên. Ở bậc trung học, nếu giáo viên dạy vượt số tiết thì được hưởng lương phụ trội, còn tiểu học có cô dạy 58 học sinh/lớp nhưng không được hưởng ưu đãi nào. Từ năm học trước, Sở GD-ĐT đã đề nghị xin cho giáo viên dạy trên 35 học sinh/lớp được hưởng lương phụ trội nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả...

Theo Tuổi Trẻ