Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

"Của tớ hay của chúng ta” ?


"Đừng có chơi đồ chơi của tớ! Không được ngồi vào chỗ này!". Một điều lạ nhưng chính những lời dọa dẫm ngộ nghĩnh rất trẻ con thường nói lên sự trưởng thành của "nhà phát ngôn". Tuy vậy, ở độ tuổi nào trẻ bắt đầu nhận thức khái niệm về sự sở hữu?

Từ 1,5 đến 3 tuổi
Ở lứa tuổi này trẻ chưa đủ khả năng phân định giới hạn giữa "của mình" và "của bạn". Các bé có thể chẳng đoái hoài tới đồ chơi riêng nhưng tò mò và vô tư giành lấy đồ của bạn.

Khi bé chơi cùng các trẻ khác, bạn hãy giải thích cho bé rằng các bạn cần chơi chung những món đồ chơi. Như vậy mỗi bạn sẽ được chơi nhiều đồ chơi khác nhau, còn nếu bé chỉ giữ khư khư món đồ chơi của mình thì chẳng ai chia sẻ với bé đồ chơi đâu.

Khi bé chơi cùng các trẻ khác, bạn hãy giải thích cho bé rằng các bạn cần chơi chung những món đồ chơi

Nếu bé nhà bạn có những món đồ mà bé rất yêu quý, nhất định không chịu chia sẻ cùng ai thì bạn đừng cho bé mang ra chơi chung với những trẻ khác để tránh "xung đột". Trước khi ra về, mẹ và bé cần thu dọn đồ chơi của mình và không cầm nhầm đồ chơi của trẻ khác.

Trong trường hợp bé giành đồ chơi của bạn khác hay ngược lại bị ai giật mất đồ chơi thì mẹ và bé nên xử trí ra sao? Bạn chớ vội lo thế có nghĩa là bé suốt đời sẽ đành hanh, ghê gớm, giành giật của người khác hoặc ngược lại, mãi mãi là một nạn nhân đáng thương. Bởi sớm hay muộn "kẻ gây hấn" sẽ gặp phải sự chống trả thích đáng nào đó, chẳng hạn khi chơi với các trẻ lớn hơn.

Còn em bé hiền lành, nhất định rồi cũng sẽ biết cách bảo vệ lợi ích riêng của mình. Tất nhiên người lớn có thể và cần thiết can thiệp trong những tình huống "khẩn cấp". Nhưng không quên là các bé cần được học hỏi cách tự giải quyết các vấn đề của chúng.

Bé nhất định không chịu chia sẻ "tài sản" của mình cũng là một thái độ thường gặp ở trẻ trong độ tuổi 1,5 đến 3 tuổi. Người lớn đừng năn nỉ bé tỏ lòng tốt hoặc thậm chí cưỡng ép bé đưa đồ cho bạn hay trách mắng trẻ. Đó là quyền của bé: chính bạn đâu có muốn đưa mọi thứ của mình cho người khác, nhất làn hững thứ mà bạn yêu quý, đúng không nào?

Từ 3 đến 5 tuổi
Tới 3 tuổi, nhiều vấn đề "phân chia" đồ chơi vốn làm các mẹ phải lo lắng bỗng dưng biến mất. Đó là vì các bé bắt đầu biết cách chơi và thích cùng chơi với những trẻ khác. Chúng thú vị giao tiếp với bạn đồng lứa, và đồ chơi có thể trở thành phương tiện "giao lưu" chung. Nếu bé khó hòa đồng và những cuộc tranh giành vẫn lặp lại, người lớn cần hỗ trợ hoà giải giúp trẻ. Chẳng hạn đề nghị các bé lần lượt chơi, hay hướng các bé vào những trò chơi chung: người nấu cháo, người pha sữa cho búp bê; hay thay phiên nhau dùng xe chở "gạch" xây nhà.

Đây cũng là thời điểm nên bắt đầu giáo dục trẻ các khái niệm "của tôi" cà "của bạn", nếu bạn không muốn cho bé mượn đồ chơi thì đó là quyền của bạn, rằng bé chỉ có thể đề nghị nhưng không được giật đồ của bạn khác. Đồng thời cha mẹ cũng học cách tôn trọng "tài sản" của bé, tuyệt đối không ép buộc trẻ phải chia sẻ đồ chơi với bạn nếu bé không muốn.

Tính cách trẻ nhỏ vô cùng đa dạng, bé này rất thảo trong khi bé kia lại ích kỷ. Một bé "ky bo" rất có thể vào một lúc nào đó bất ngờ chia sẻ đồ chơi với bạn mà bé thích.

Người lớn đừng vội hy vọng là trẻ ngay lập tức nắm bắt khái niệm sở hữu: "của tôi", "của bạn". Một bé 5 tuổi bỗng có thể ôm trái bóng hay cuốn sách từ nhà trẻ về. Bạn hãy bình tĩnh tiếp tục dạy bé.

Từ 5 tuổi trở đi
Tới tuổi đi học, nhận thức về sở hữu đã hoàn toàn hình thành ở trẻ. Khi vụng trộm lấy một thứ mình thích, bé 6 - 7 tuổi đã hiểu rằng bé đang làm một điều xấu. Người lớn nên từ tốn gặng hỏi bé lấy ở đâu, của ai và yêu cầu bé đem trả đúng chỗ hay chủ nhân của vật đó. Nếu bé tỏ sự ngần ngại, lo sợ bạn có thể đi cùng bé, giúp bé giải thích việc lấy đồ mà không xin phép và muốn trả lại người chủ.

Trong mọi trường hợp bố mẹ sẽ luôn là người bạn đáng tin cậy của bé, cùng chia sẻ tình cảm và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con trẻ.

Theo Tin Tức