Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mua bảo hiểm cho con: Nên hay không?


Sau mười năm mất liên lạc, cô bạn học hồi phổ thông đột ngột xuất hiện trước cửa nhà tôi với một túi quà to sau khi nghe tin tôi mới sinh em bé. Hết dăm ba câu chuyện vồn vã, từ kỷ niệm tụi mình cho đến tương lai con cái, cô vui vẻ hỏi: "Vậy chứ bạn mua bảo hiểm cho nhóc chưa?"

Từ đầu năm tới giờ, đây là người thứ tư mời tôi mua bảo hiểm cho con. Đồng nghiệp của chị, bạn của chồng, cho đến một nhân viên bảo hiểm lạ hoắc không hiểu kiếm đâu ra số điện thoại di động của tôi... Mẹ tôi nói hay mua đại của một trong số những người quen cho xong, khỏi bị chào mời nữa. Thật ra tôi cũng đã dự trù một khoản dư trong thu nhập để mua bảo hiểm nhân thọ. Vấn đề gây nhức đầu là nên mua sản phẩm nào của công ty nào.

Ở nước ngoài, những người muốn mua bảo hiểm có thể tìm đến các insurance broker (môi giới bảo hiểm), thay vì insurance agent (đại lý bảo hiểm). Các broker là người trung gian giữa khách hàng và các công ty bảo hiểm, không phải là nhân viên của bất cứ hãng bảo hiểm nào. Nắm được nhu cầu, khả năng tài chính và hoàn cảnh của từng khách hàng, broker sẽ tư vấn cho họ một gói bảo hiểm thích hợp nhất.

Tôi thấy mình cần một nhà tư vấn môi giới bảo hiểm chứ không phải các đại lý. Tôi lân la đi hỏi han những người quen đã, đang và sẽ mua bảo hiểm, lục lọi các trang web của các hãng bảo hiểm để so sánh, và chẳng mấy chốc, tôi rơi vào muôn trùng vây các loại bảo hiểm và các kiểu tư vấn viên.

Một phụ huynh ở trường con tôi mua cho hai đứa con hai bảo hiểm của một công ty, nhưng không nhớ nó là bảo hiểm gì, cũng không rành phạm vi bảo hiểm và các quyền lợi được hưởng. Chị nói: tên nó loằng ngoằng lắm, an trí phát tài gì đó loạn hết lên, chị không nhớ nổi. Hồi trước mua của đứa em làm đại lý bảo hiểm, tới ngày đưa nó tiền đem nộp. Vậy thôi.

Bà chị chồng thì thổ lộ là một mình thằng con đang học lớp năm của chị có đến ba cái bảo hiểm của ba công ty khác nhau. Toàn mua vì cả nể người quen, giờ cứ tặc lưỡi đóng tiền mỗi năm. Có khi xót ruột quá huỷ bớt một hợp đồng, mất không ít tiền, nên tiếp tục è cổ mà đóng hai hợp đồng còn lại. Tính đi tính lại, với tình hình trượt giá kiểu này thì đến khi đáo hạn, lãnh được tiền thì có khi lỗ chứ chẳng lời lãi gì. Chị buông thõng: "Biết vậy tao lấy tiền đó đi mua vàng có lời hơn".

Bà cô họ của tôi mới về hưu được hai năm, có tài ăn nói nên đi làm đại lý bảo hiểm, tư vấn cho tôi rất nhiệt tình. Bà in cho tôi một xấp giấy, minh họa các khoản lời lãi sau mấy năm lãnh được bao nhiêu tiền và liên tục nhấn mạnh "cứ mỗi năm lấy tiền lì xì đóng cho nó, tới năm 18 tuổi tự nhiên rút ra được một cục tiền như vầy như vầy". Nhưng khi tôi hỏi đến những việc như khi bị tai nạn thế nào thì bồi thường ra sao, các khoản phí, và việc thay đổi mức bảo hiểm, hay lỡ may thu nhập của tôi sụt giảm không đóng nổi thì bà nói "sao mày hỏi nhiều quá, khách hàng của tao mấy chục người có ai hỏi tới mấy cái đó đâu" và gọi điện cho một người khác cùng nhóm nhờ... trả lời giùm.

Bụt chùa nhà sợ không thiêng, tôi quyết định liên lạc với cô tư vấn bảo hiểm "lạ hoắc" của công ty A. và trình bày những băn khoăn của mình. Sau một buổi chiều được tận tình giảng giải, tôi cũng vỡ ra khá nhiều điều.

Dù sao, tôi định mua bảo hiểm là để phòng khi rủi ro bệnh tật chứ không phải để tiết kiệm tiền, nên không chú trọng lời lãi lắm. Nhưng không hiểu sao các tư vấn viên... "của nhà trồng được" chỉ rành về các mức lãi. Dần dần, tôi nhận ra nguyên nhân, họ mời chào mình mua bảo hiểm cho con trẻ, nhưng tuyệt đối không dám đề cập đến những tình huống giả định là con trẻ bị tai nạn, bệnh tật hoặc tệ hơn, tử vong.

Vì vậy, khi tư vấn và thuyết phục thì họ chỉ nhấn mạnh quanh số tiền mình sẽ được rút ra sau khi đáo hạn, những khoản lãi "tối thiểu được hưởng" và những khoản lãi hứa hẹn rất cao "nếu công ty ăn nên làm ra". Đó là lý do khiến các khách hàng đôi khi quên mất mục đích chính của việc mua bảo hiểm là đề phòng rủi ro.

Làm cha mẹ rất nhiều trách nhiệm và lo lắng. Lo về sức khoẻ, học hành, tính khí, tương lai con cái. Và đặc biệt là nỗi lo không biết mình có đủ khả năng mang đến cho con những điều tốt đẹp nhất hay không. Khi có nhiều lo lắng, người ta thường nghĩ đến bảo hiểm, như một khả năng dự phòng khi rủi ro, với hy vọng bảo toàn cuộc sống ổn định cho con cái trong trường hợp cha mẹ gặp phải chuyện bất trắc.

Do tâm lý cha mẹ thương con nên cái gì cũng ưu tiên cho con, mà quên mất rằng chính chúng ta - những người đang trực tiếp kiếm tiền nuôi con - mới là người cần được bảo hiểm trước. Sau khi cân nhắc, thay vì mua bảo hiểm cho con, tôi quyết định mua cho mình một bảo hiểm nhân thọ mức 300 triệu, con là người thụ hưởng. Tôi nhớ lúc đi máy bay, người ta luôn khuyến cáo rằng trong trường hợp khẩn cấp, khi mặt nạ oxy bật ra thì phải đeo cho mình trước, sau đó mới đeo cho con.

Những điều cần lưu ý: Các loại hình bảo hiểm có thể lựa chọn cho gia đình
- Bảo hiểm nhân thọ (kèm tiết kiệm): dự phòng một khoản chi trả cho người thân khi xảy ra rủi ro, tích luỹ cho cha mẹ khi về hưu, tích luỹ cho con lúc trưởng thành. Hợp đồng dài hạn. Nên ưu tiên cha mẹ trước, con sau.
- Bảo hiểm sức khoẻ: thanh toán các chi phí y tế phát sinh do ốm đau, bệnh tật, tai nạn, bao gồm thuốc, viện phí điều trị nội ngoại trú, chuyển viện, cấp cứu... hưởng dịch vụ tốt tại các bệnh viện danh tiếng. Hợp đồng theo từng năm. Nên mua cho cả gia đình. Ưu tiên con trước, cha mẹ sau.
- Bảo hiểm tài sản (nhà và xe cộ): dự phòng tai nạn, cháy nổ, hư hỏng, thiên tai, mất cắp... Nên mua cả khi bạn cảm thấy có ít nguy cơ, vì như vậy mức phí sẽ thấp.

Những điều cần lưu ý khi mua bảo hiểm
- Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ rất phong phú với nhiều đặc tính khác nhau. Vì thế, trước khi quyết định tham gia, bạn nên tìm hiểu kỹ sản phẩm đó thuộc loại nào và đặc tính của nó có phù hợp với nhu cầu của bạn hay không.
- Ở thị trường Việt Nam có nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp bao gồm cả mục đích bảo vệ lẫn tiết kiệm, nhưng luôn nhớ rằng mục tiêu tiên quyết của bảo hiểm là bảo vệ. Vì vậy khoản lãi tiết kiệm của bảo hiểm khó cao bằng ngân hàng.
- Hãy chọn mệnh giá tuỳ theo khả năng đóng phí và tình hình thu nhập của mình, thay vì cố đóng phí theo mệnh giá mong muốn. Hãy nhớ rằng bạn luôn có thể mua bảo hiểm với mức thấp. Việc huỷ hợp đồng giữa chừng không đóng nổi phí sẽ khiến bạn mất một khoản không nhỏ.
- Hãy kê khai tình trạng sức khoẻ một cách trung thực. Vì nếu phát hiện bạn không nói sự thật, bảo hiểm có quyền từ chối chi trả, kể cả khi bạn đang thực sự cần.
- Hãy đọc kỹ hợp đồng, chú ý các điều khoản quy định phạm vi được bảo hiểm và cả những trường hợp miễn thường.
- Đừng giao khoán mọi việc cho đại lý bảo hiểm, kể cả đó là người thân. Hãy tự mình kiểm tra hợp đồng, việc ký kết, và việc đóng tiền. Hãy nhớ rằng bạn ký hợp đồng với một công ty, và chính công ty đó sẽ chi trả bảo hiểm cho bạn chứ không phải người đại lý.
- Nên mua bảo hiểm càng sớm càng tốt, vì tuổi càng trẻ thì giá càng rẻ

Theo Tin Tức