Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cô và trò cùng “múa”


Nằm sâu trong con phố Hoàng Ngân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội có một ngôi trường khá đặc biệt. Ở đấy, các thầy, cô giáo giảng bài chẳng khác gì đang múa; các em học sinh học tập, giao tiếp đều phải qua các ngón tay, cử chỉ, điệu bộ. Đó là Trường PTCS dân lập dạy trẻ điếc Hà Nội.

Chúng tôi đến thăm trường đúng vào giờ ra chơi. Đám học trò chơi trò đuổi bắt, chạy nhảy tung tăng nhưng không đứa nào thốt thành lời. Thấy khách, một số em khoanh tay chào bi bô như tiếng trẻ lên ba.... Hết giờ nghỉ, các em vào lớp. Cô giáo Phương Lan viết chữ lên bảng, rồi quay xuống dạy các em tập đọc bằng đôi tay "múa" như một nghệ sĩ trên sân khấu. Ở dưới, các em cũng chẳng "chịu kém", đôi tay cũng "múa" thoăn thoắt, điệu nghệ.

Đến giờ toán, cô giáo viết các con số tính toán lên bảng chỉ mất vài giây, nhưng để các em hiểu được cách tính, cô phải mất đến vài phút "diễn xuất". Ngồi dưới, các em học sinh chăm chú nghe giảng. Thỉnh thoảng, vấn đề nào không hiểu, cô, trò lại trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu... Cô giáo Phương Lan tâm sự: "Dạy trẻ điếc rất vất vả vì các cháu hoàn toàn không nghe được âm thanh tiếng nói nên đòi hỏi các giáo viên phải như những người làm công tác xã hội. Ở đây, chúng tôi dạy các em bằng ngôn ngữ ký hiệu, thủ ngữ, phương pháp đọc hình miệng, vì thế tốn rất nhiều thời gian. Chúng tôi cố gắng vận dụng những phương pháp giảng dạy sao cho các em tiếp thu một cách hiệu quả nhất. Giúp trẻ xóa bỏ mặc cảm bệnh tật, hòa đồng với mọi người là việc mà chúng tôi hết sức quan tâm, coi trọng".

Người đưa ra ý tưởng thành lập Trường PTCS dân lập dạy trẻ điếc Hà Nội là bác sĩ Nguyễn Quý Hưng, nguyên Vụ trưởng Vụ Chức năng, Bộ Y tế. Là một người gắn bó với công tác điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, bác sĩ Hưng nhận thấy sự cần thiết của việc có ngôi trường dành cho trẻ em câm điếc. Rất may, được sự tài trợ của Tổ chức ICO Hà Lan và sự bảo trợ của Hội CTĐ Hà Nội, năm 1991 bác sĩ Hưng cùng với các bạn đã đứng ra thành lập trường. Ban đầu, trường chỉ có 12 học sinh với 5 cán bộ, đến nay trường đã có cơ sở vật chất khang trang với 9 lớp (trong đó có 6 lớp tiểu học, 3 lớp mẫu giáo) với tổng số 100 học sinh và 17 cán bộ, công nhân viên.

Bác sĩ, Hiệu trưởng Nguyễn Kim Chung cho hay, trong 18 năm hoạt động, trường luôn duy trì 4 mục tiêu giáo dục, đó là phát triển khả năng nghe nói của trẻ từ 1 tuổi trở lên; dạy văn hóa cho học sinh đạt trình độ tương đương lớp 5 bậc tiểu học; hướng nghề và dạy nghề cho học sinh; tạo điều kiện để học sinh có thể tự lập cuộc sống riêng. Từ năm 1995, trường mở lớp dạy cắt may cho 2 lớp cuối cấp học, để đến lúc các em ra trường trở thành thợ may bậc 3/7... Nhờ được học tập bài bản, phần lớn các em học sinh có thể giao tiếp tốt. Nhiều em khi ra trường đến học cấp II ở Trường Câm điếc Xã Đàn, học cấp III ở Trường Ngôn ngữ ký hiệu tại Đồng Nai.

Đến thăm trường và tìm hiểu hoàn cảnh của các học sinh, chúng tôi càng thấy được sự nỗ lực đáng khâm phục của trường trong thời gian qua. Mỗi năm, để có đủ kinh phí, ngoài các khoản tài trợ, trường đã phải gõ cửa từng cơ quan để có đủ tiền bảo đảm việc dạy dỗ các em có hiệu quả. Nhiều em gia đình khó khăn, trường đã tặng máy nghe để các em có thể học được. Nhưng lời tâm sự của bác sĩ Nguyễn Kim Chung khiến chúng tôi rời trường rồi mà vẫn cứ mãi day dứt: "Các em ở tỉnh xa đến học ngày một đông hơn. Chúng tôi đã có lúc nghĩ đến chuyện xây nhà nội trú cho các em, để các em và gia đình đỡ vất vả hơn, nhưng điều đó thì có lẽ còn lâu lắm mới thực hiện được...".

Theo HNM