Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sự trái ngược của bé ở nhà và ở trường


 

Ảnh: www.inmagine.com

Chị Hoa đã vô cùng bối rối khi được cô giáo chủ nhiệm của con mình gọi điện đến trao đổi về tình hình học tập của bé.
Con chị - bé Nam, 6 tuổi, đang học lớp Một - có những sự biểu hiện hoàn toàn trái ngược nhau giữa ở trường so với ở nhà: Các bài tập trên lớp của bé mà cô giáo nói rằng bé làm vô cùng chật vật, thì thật ra ở nhà, dưới sự chứng kiến của chị, bé làm "dễ như không", chỉ lướt qua mà không gặp vấn đề gì lớn cả. Vấn đề chủ yếu xảy ra trong môn toán.
"Tôi tới trường để quan sát con tôi tận nơi, qua cửa sổ, và tôi vô cùng ngạc nhiên. Bé học chậm chạp, khó khăn, cần cô giáo giúp đỡ rất nhiều".

 


Ảnh: www.inmagine.com


Cô giáo đồng thời cũng phàn nàn rằng bé không có sự tập trung, hay nhìn ra cửa sổ, nhìn cây cầu phía xa ngoài của lớp, và thường xuyên không trả lời được các câu hỏi của giáo viên.
"Đọc sổ liên lạc của con, lời nhận xét: khó khăn trong tập trung và nhận thức khiến tôi rất băn khoăn. Tôi không hiểu: Rõ ràng ở nhà con tôi lanh lợi và khá hoạt bát".
Nhiều phụ huynh thừa nhận rằng mình cũng ở trong tình huống khó xử như chị Hoa. Thật nản lòng khi bạn phải nghi ngờ tại sao bé lại học tập khác nhau một trời một vực giữa 2 môi trường chính liên quan cuộc sống của bé: gia đình, nhà trường.
Trên thực tế, tình huống này cũng khá dễ dàng để lý giải, không có gì phải ngạc nhiên. Nếu các bạn là một phụ huynh có con học lớp Một, hãy tưởng tượng: khi bạn ở nhà, bạn dành nhiều thời gian hoạt động cùng bé (vui chơi, học tập, khám phá...), bạn làm việc một cách vô cùng tập trung, không tách biệt, tránh sao nhãng khỏi bé, và nhất là áp lực thời gian với bạn không bị hạn chế. Hơn nữa, phụ huynh là những người gần gũi nhất, hiểu rõ con mình các đặc điểm tính cách, khả năng của bé; tức là bạn dạy con theo cách thích ứng nhất với phong cách học tập riêng của trẻ.
(Trong khi đó ở lớp, một giáo viên phải chịu trách nhiệm với nhiều học sinh, thời lượng một tiết học được quy định rõ ràng. Do vậy áp lực của giáo viên trên các phương diện khác nhau lớn hơn áp lực của phụ huynh nhiều.)
Tuy nhiên, phụ huynh cũng có thể lưu ý một vài điều hữu ích giúp kéo dài sự chú ý của bé trong lớp học: Hãy đề nghị với giáo viên giúp đỡ bé:
Xếp bé ngồi các bàn hàng đầu, tránh xa cửa sổ, cửa đi ra đi vào.
Sử dụng các ký hiệu, biểu tượng khiến bé chú ý, lưu tâm như: biểu tượng hình ảnh, màu sắc, dòng kẻ, tranh ảnh... để định hướng bé, hạn chế sự sao nhãng.
Khen ngợi, hoặc đưa ra một phần thưởng vật chất nhỏ. Vào mỗi buổi sinh hoạt cuối tuần, có một buổi tổng kết và trao phần thưởng tuyên dương các học sinh có sự nỗ lực, tiến bộ trong tuần.
Nếu những sự can thiệp này không dẫn tới bất kỳ sự cải thiện nào ở bé sau một tháng, hoặc lâu hơn, tốt nhất phụ huynh hãy tìm tới một bác sĩ tâm lý hay bác sĩ nhi khoa để xác định rõ xu hướng mất tập trung của bé có là dấu hiệu của rối loạn chú ý hay không.
Ngọc Mai mammon.com