Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Động kinh, căn bệnh nguy hiểm của trẻ em


Động kinh là một tình trạng bệnh lý của não do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra với bệnh cảnh rất phức tạp và đa dạng và có thể gặp ở mọi tuổi, mọi giới. Tỷ lệ bệnh động kinh được thống kê trên thế giới khoảng 0,5% dân số, thay đổi tùy theo từng quốc gia; từng vùng, từng dân tộc, như ở Pháp và ở Mỹ là khoảng 0,85%, ở Canada là 0,6%, ở nước ta khoảng 0,5 - 2% dân số trong đó có đến 60% số bệnh nhân là trẻ em. Căn bệnh nguy hiểm Đây là một căn bệnh không nguy hiểm chết người, nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Đôi khi biến chứng và tai nạn có thể gặp phải khi bệnh nhân lên cơn động kinh: Cắn phải lưỡi, viêm phổi do hít phải dãi hay chất nôn ói; Gãy xương do chấn thương (thường gặp ở xương cổ); Tổn thương não do cơn kéo dài làm não thiếu oxy; Ngừng thở do tắc nghẽn đường thở... Nếu căn bệnh này được phát hiện sớm và điều trị tính cách thì khả năng hoàn toàn khỏi bệnh là rất cao. Đối với trẻ em, nếu không được điều trị kịp thời, hoặc điều trị không đúng cách dẫn tới tình trạng không khống chế được cơn co giật thì lâu dần, trẻ sẽ bị thiểu năng trí tuệ, rối loạn hành vi tác phong. Những cơn co giật kéo dài cũng sẽ làm cho hệ miễn dịch của trẻ yếu đi, dễ nhiễm các bệnh khác và dễ tử vong hơn những trẻ bình thường khác. Trong thực tế, có khoảng 10 - 12% trẻ bị động kinh do không được điều trị đúng thuốc, đúng phác đồ nên sinh ra kháng thuốc. Khi đó, khả năng hồi phục sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Người bệnh cần được quan tâm, chia sẻ Nói đến bệnh động kinh, người ta chỉ nghĩ ngay đến những cơn co giật, sùi bọt mép, mắt trợn ngược... Ngoài ra có những trường hợp động kinh khác có biểu hiện: Mất ý thức thoáng qua, cảm giác dị cảm, cảm giác bất thường về mùi vị, ảo giác, các thay đổi về nhận thức, tâm thần... Thực ra, đây là biểu hiện của một căn bệnh không nguy hiểm cho cộng đồng và thường gặp trong đời sống. Theo các chuyên gia y tế, mỗi người đều có nguy cơ khoảng 10% bị một cơn động kinh trong cuộc đời. Tuy nhiên, không phải cơn co giật nào cũng được liệt vào bệnh động kinh. Thông thường một bệnh nhân được chẩn đoán là động kinh khi có ít nhất hai cơn động kinh tái diễn. Cho đến nay, do thông tin về căn bệnh này vẫn còn khá hiếm hoi, chính vì thế mà vấn còn không ít người có cái nhìn kỳ thị với căn bệnh này. Trong khi đó điều quan trọng nhất đối với những bệnh nhân động kinh là tình yêu thương, sự quan tâm của gia đình, người thân, sự thông cảm của bạn bè và cả những người xung quanh để không cảm thấy mặc cảm, thấy mình khác biệt với mọi người. Thực tế, ngoài những cơn co giật, bệnh nhân động kinh vẫn có thể sinh hoạt, học tập, làm việc bình thường. Và nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời thì khả năng hoàn toàn khỏi bệnh để hòa nhập với cuộc sống bình thường là rất cao. Biết cách chăm sóc người bệnh Ở Việt Nam chưa có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực này, đồng thời cũng chưa có một câu lạc bộ hay tổ chức xã hội nào dành cho bệnh nhân động kinh cũng như các thân nhân bệnh nhân để giúp họ tìm hiểu về căn bệnh này, cách chăm sóc cũng như các cách xử lý khi lên cơn động kinh. Theo nhận định của các thầy thuốc chuyên khoa thần kinh, mặc dù động kinh không phải là một căn bệnh có thể gây tử vong (tuy nhiên gần đây các nhà khoa học nhận biết được một hội chứng gọi là hội chứng tử vong đột ngột không giải thích được ở bệnh nhân động kinh, hội chứng này có tỷ lệ khoảng 0,04 - 0,5%/năm, thường gặp ở người từ 20-40 tuổi bị động kinh trên 1 năm), nhưng khi người bệnh lên cơn co giật, mất ý thức mà không có ai ở bên cạnh thì rất có thể sẽ dẫn đến những tai nạn thương tâm. Chính vì vậy việc tuyên truyền kiến thức về bệnh động kinh là một vấn đề quan trọng cần được đặt lên hàng đầu. Theo Gia đình xã hội, Nhân dân