Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cơn co Braxton-Hick


Cơn co Braxton-Hick còn được gọi là cơn chuyển dạ giả, đôi khi xuất hiện trong giai đoạn giữa thai kỳ, thậm chí sớm hơn.


Cơn co Braxton-Hick thường khởi phát vào tuần thứ 20 của thai kỳ. Nếu bạn đặt tay lên bụng bầu trong cơn co, bạn có thể cảm nhận các cơ ở bụng hóp vào rồi lại phồng ra, từ mạnh mẽ đến giảm dần rồi biến mất hoàn toàn. Những cơn co này khác với cảm nhận khi thai máy - chuyển động của bé mà mẹ bắt đầu xác định được từ tuần 20 (có khi sớm hơn).

Một số trường hợp, cơn co Braxton-Hick không gây đau; trong khi một số khác cảm thấy cơn đau ngắn và nhói lên. Đây có thể là dấu hiệu sẵn sàng cho một cuộc chuyển dạ thực (dấu hiệu chín muồi). Số khác lại cho rằng, điều này giống như một cách luyện tập an toàn của tử cung trước khi chuyển dạ thật.

Thời điểm cơn Braxton-Hick mạnh lên

Nhiều thai phụ cảm thấy cơn co tăng lên cùng với sự tiến triển của thai kỳ. Khi hoạt động thể chất, cơn co cũng nhiều hơn những thời điểm khác.

Hầu hết thai phụ nhận biết được cơn chuyển dạ giả vào cuối quý II, khoảng tuần thứ 24 nhưng chúng thường phổ biến vào những tuần cuối của thai kỳ. Thời điểm này, những cơn co Braxton-Hick thường kéo dài và đau hơn. Điều này là do tử cung đã lớn lên, chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ thật.

Phân biệt cơn co Braxton-Hick với chuyển dạ thật

Không ít thai phụ nhầm giữa cơn chuyển dạ giả và cơn chuyển dạ thật. Dưới đây là 4 điểm khác biệt cơ bản giữa cơn co Braxton-Hick và chuyển dạ thật:

1. Tần suất. Cơn co Braxton-Hick không thường xuyên trong khi cơn chuyển dạ thật thường xuyên hơn. Ví dụ, bạn có 2 cơn co Braxton-Hick, mỗi cơn cách nhau vài phút; sau đó, không có thêm một cơn co nào trong vòng 10 phút. Trong khi đó, cơn chuyển dạ thật thường kéo dài hơn.

Để xác định xem đó có phải là cơn chuyển dạ thực hay không, bạn thử đo thời gian bắt đầu của cơn co thứ nhất cho đến khi xuất hiện cơn co tiếp theo. Nếu các cơn co kéo dài khoảng 10 phút một lần thì bạn nên nhập viện.

2. Độ dài cơn co. Braxton-Hick có thể ngắn hoặc dài, khá đa dạng. Đau khi chuyển dạ sẽ tăng dần lên, kéo dài hơn và dồn dập hơn trong khi cơn chuyển dạ giả tăng - giảm không theo quy luật.

3. Cách kiểm soát cơn co. Thay đổi vị trí hoặc đứng lên, đi lại một chút cũng ảnh hưởng đến cơn co. Braxton-Hick thường ngừng lại hoặc giảm đi nếu bạn thay đổi từ tư thế ngồi sang tư thế đứng hoặc từ đứng thành nằm. Nếu là cơn chuyển dạ thật, cơn co vẫn tiếp tục cho dù bạn ở tư thế nào.

4. Vị trí cơn co. Nếu bạn cảm nhận những cơn đau ở phía trước bụng bầu thì có khả năng đó là Braxton-Hick. Cơn chuyển dạ thật luôn bắt đầu từ dấu hiệu đau ở lưng và lan tới trước bụng bầu.

Lưu ý: Cơn co Braxton-Hick không ảnh hưởng đến cổ tử cung trong khi cơn co thật sẽ làm cổ tử cung mở rộng ra.

Dấu hiệu nên đi khám

Cơn co Braxton-Hick kèm theo dịch hay máu từ vùng kín thì bạn nên đi khám. Cũng nên nhập viện sớm nếu cơn co kèm theo cơn đau ở thắt lưng, xuất hiện trên 3-4 cơn co trong vòng 1h và khoảng cách giữa hai cơn co ngày càng ngắn.

Theo Mevabe