Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Áp lực học hành đối với trẻ vào lớp Một!


Trẻ vào lớp Một, một môi trường hoàn toàn mới mẻ đối với trẻ: về trường lớp, bạn bè và nề nếp học tập khác hẳn với trường mẫu giáo. Chính vì vậy, trẻ cần phải được chuẩn bị về kỹ năng và tâm lý để có thể hòa nhập tốt với môi trường học tập mới.

Tuy nhiên, thay vì tạo điều kiện, chuẩn bị tốt cho con trước khi vào lớp Một thì một số bậc cha mẹ lại tạo áp lực cho trẻ ngay từ lớp đầu tiên của bậc học đầu tiên này cũng chỉ vì muốn con mình phải bằng hoặc hơn con người ta.

Việc đầu tiên là luyện đọc và viết cho trẻ ngay từ mẫu giáo. Cứ mỗi buổi tối, sau một ngày ở trường, trẻ lại được đưa đến các lò luyện hoặc được gia sư đến kèm. Dường như các bé lớp Lá thường không có mùa hè, bởi vì vừa luyện đọc, luyện viết xong thì lại đến luyện thi vào lớp Một, hết luyện thi vào lớp Một rồi lại đến học trước chương trình lớp Một để vào năm học có thể theo được chương trình.

Cứ tưởng học trước như thế thì vào năm học bé sẽ được thoải mái khi học lại chương trình, nhưng không phải vậy. Vào năm học, bé lại đổ mồ hôi đánh vật với các bài tập nâng cao, rồi còn phải học các môn năng khiếu, tiếng anh.v.v... lúc nào trong tâm trí trẻ cũng là học, học, học. Người lớn đã không ngần ngại nhồi nhét vào đầu trẻ không biết bao nhiêu là thứ mà không cần biết khả năng của trẻ thế nào. Thậm chí, khi trẻ không được như ý muốn của người lớn hoặc thua kém con bạn, con đồng nghiệp hay thua kém hàng xóm là lập tức lên kế hoạch nhồi nhét tiếp. Các bậc cha mẹ sẵn sàng sử dụng các biện pháp: gửi cô dạy, thuê thầy về dạy, rồi thì ngọt ngào dụ dỗ, quát mắng, rồi ra điều kiện chỉ để trẻ chịu ngồi vào bàn học và chỉ biết có học.

Lịch học kín từ sáng đến tối khuya đã đành, ngay cả thứ 7 và chủ nhật cũng phải đi học thêm. Những trò chơi dân gian, đi dạo công viên, những câu chuyện cổ tích.v.v... là một cái gì đó thật là xa lạ với trẻ.

Kết quả con giỏi tới đâu thì chưa biết, nhưng một điều hạn chế: Những đứa trẻ suốt ngày bị ép học thì không còn cảm thấy hứng thú trong việc học. Chúng cảm thấy việc học là một cực hình mà ngày nào chúng cũng phải thực hiện: học ở trường, học ở nhà, học thêm đủ thứ đến mức không còn thời gian để thư giãn, giải trí. Nếu có một chút thời gian thì lại lao vào máy vi tính. Cuối cùng những đứa trẻ ấy chỉ biết mỗi việc học và cái máy vi tính, còn những kỹ năng sống đơn giản và kỹ năng tự phục vụ thì hoàn toàn xa lạ đối với trẻ.

Có những đứa trẻ đã học đến lớp 3, lớp 4 mà ngay cả việc đơn giản là: chọn một bộ quần áo cho mình, tự chải đầu tóc và tắm rửa cũng không làm được.

Thậm chí có những đứa trẻ: ngay cả những kỹ năng đơn giản nhất để phục vụ bản thân và đảm bảo an toàn cho bản thân trẻ cũng không hề biết. Điều này hết sức nguy hiểm, bởi cha mẹ và người lớn không thể lúc nào cũng ở bên trẻ, bảo vệ trẻ trước những nguy hiểm xung quanh trẻ được.

Học là nhiệm vụ của mỗi người, ngay từ khi mới sinh ra, đứa trẻ đã phải học để tồn tại, học để lớn lên, học để phục vụ xã hội. Tuy nhiên học kiểu nhồi nhét như trên không những không mang lại hiệu quả mà còn khiến cho trẻ cảm thấy mệt mỏi, áp lực và cảm thấy sợ việc học.

Thay vì tạo áp lực cho trẻ, cha mẹ hãy tạo cho trẻ môi trường học tập tốt, môi trường khuyến khích trẻ tự giác tham gia vào các hoạt động học tập có kết hợp với thư giãn, vui chơi. Học qua các trò chơi phát triển trí tuệ, kích thích trẻ ham học hỏi những điều mới lạ khi ấy việc học của trẻ mới thực sự có ý nghĩa đối với bản thân trẻ và mang lại hiệu quả cao.

Trúc Giang mamnon.com