Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

'Mua'… chữ


Một trong những vấn đề tồn tại, năm nào cũng nói đến, năm nào cũng được những người quản lý giáo dục "hứa" sẽ giải quyết dứt điểm, nhưng cuối cùng đâu cũng vào đấy, thậm chí năm sau tái diễn sai phạm hơn năm trước, đó là thực trạng "loạn" các khoản thu cho năm học.

Cứ vào dịp đầu năm học mới, dư luận lại được dịp chứng kiến những nỗi bức xúc, "trần ai" của học sinh, sinh viên cũng như phụ huynh. Một trong những vấn đề tồn tại, năm nào cũng nói đến, năm nào cũng được những người quản lý giáo dục "hứa" sẽ giải quyết dứt điểm, nhưng cuối cùng đâu cũng vào đấy, thậm chí năm sau tái diễn sai phạm hơn năm trước, đó là thực trạng "loạn" các khoản thu cho năm học.

"Loạn" đến nỗi không ít người trong xã hội gọi hành trình để hoàn thành thủ tục cho năm học chẳng khác gì một hành trình "mua"...chữ. Trong cái hành trình nhọc nhằn đó, người mua không được quyền trả giá và không có quyền chọn lựa nào khác là phải...chấp nhận mua - nghĩa là phải nộp đủ các loại phí, dù có những khoản không rõ trường thu sẽ sử dụng vào việc gì (!?).

Trước đây, xã hội cho rằng, giáo dục không có thương mại hóa, nhưng với cách ứng xử của các cơ sở giáo dục, đào tạo như hiện nay đã phần nào tạo nên nhận thức nghiêng hẳn về việc "mua - bán" chữ, có nghĩa là biểu hiện thương mại hóa đã xuất hiện, ảnh hưởng đến những mục tiêu đào tạo, giáo dục con người.

Và, điều lo ngại lớn hơn, hình ảnh ngôi trường - người thầy không còn được coi trọng như từ xa xưa. Hoạt động ở một số trường không thực sự "minh bạch", học sinh, sinh viên và phụ huynh buộc phải nộp những khoản thu vượt quá thu nhập của mình.

Làm gì để chấm dứt "loạn thu"? Làm gì để hành trình nhập học từ đầu mỗi năm học của học sinh, sinh viên, phụ huynh không là "nỗi ám ánh" về tiền bạc? Làm gì để hình ảnh trường học luôn giữ được sứ mệnh cao cả của mình? Làm gì để mối quan hệ giữa thầy và trò không bị chi phối bởi quy luật mua - bán?...

Hằng trăm câu hỏi như thế cần phải được chính ngành giáo dục trả lời và kèm theo đó là các giải pháp xử lý triệt để. Ai cũng hiểu dân tộc ta có truyền thống hiếu học. Ai cũng biết người Việt có thể chịu khổ cực trong cuộc sống nhưng sẽ không bao giờ cho con cái ngừng học khi còn có thể.

Nhưng với tình trạng "loạn thu", đặt phụ huynh ở thế buộc phải nộp những khoản phí khá cao ngoài quy định như hiện nay thì không ai không nghĩ đến sự thật sẽ có không ít học sinh, sinh viên phải dừng cơ hội học tập. Và, điều đáng ngại hơn, những mục tiêu, bản chất tốt đẹp của giáo dục nước ta sẽ dần bị xói mòn trong nhận thức xã hội.

Ngọc Lữ - Báo Đất Việt