Bong bóng hóa học, súng điện bán tràn lan ở cổng trường Thổi bong bóng từ lọ keo bán trước cổng trường, bé Hải ở TP HCM phải nhập viện vì bị bóng bay vào mắt. Các bác sĩ cho biết mắt bệnh nhi bị tổn thương nặng. May mắn được chữa lành sau hai ngày nhập viện, Hải cho hay em đã mua lọ keo thổi bóng ở một người bán đồ chơi dạo ngay trước cổng trường với giá 2.000 đồng. Theo lời chị Lệ, mẹ bé Hải, lọ keo trông giống như keo dán sắt, có ghi dòng chữ "trò chơi trẻ em". Keo có mùi hắc nồng, tuy nhiên bóng thổi ra rất to và khó vỡ. Chị đã không cho chơi nhưng con vẫn lén lút thổi và bị bay vào mắt. Chất lỏng dùng để thổi ra bóng được bán tại nhiều cổng trường. Ảnh: Cao Lâm. Bé Hảo 5 tuổi, nhà ở quận Bình Thạnh, lại chết ngất vì anh trai dùng súng điện đồ chơi dí vào người. Thú thật với bố mẹ, anh trai Hảo cho biết đã mượn cây súng đồ chơi từ một người bạn học cùng lớp. "Đến nhà bạn, chúng con từng chơi đánh trận giả, dí súng vào nhau bắn mà nó chỉ giật tê tê thôi chứ không đến nỗi ngất xỉu như thế", cậu anh thanh minh. Sở hữu 4 khẩu súng điện đồ chơi được một người bạn mua giúp ở các cửa hàng bán đồ chơi tại quận 6, Minh - học sinh lớp 10, nhà ở quận 5, cho hay, loại súng này dùng pin tiểu, nhưng dòng điện phát ra rất ấn tượng. Theo Minh, sức "công phá" của súng khó gây ngất cho người lớn nhưng cũng đủ làm "đối phương" giật mình mỗi khi bị dí sát vào người. "Giá mỗi cây súng 80-150 nghìn đồng nhưng phải nhờ người quen biết mới mua được. Ngoài súng điện, một số bạn học của em còn mua được bút điện, loại này cũng rất 'ấn tượng' vì làm người cầm bút giật nẩy người", Minh nói. Theo các chuyên gia điện - điện tử, súng phát điện đồ chơi hoạt động theo cơ chế khuếch điện từ pin tiểu thành dòng điện lớn hơn gấp nhiều lần. "Dòng điện an toàn với người bình thường dưới 25 V, còn dòng điện phát ra từ súng đồ chơi có thể đã vượt mức an toàn", một giảng viên trường ĐH Bách Khoa TP HCM nói. Ghi nhận của VnExpress.net tại TP HCM cho thấy, loại keo thổi bóng do VN và Trung Quốc sản xuất hiện được bày bán khá "thoải mái" trước cổng nhiều trường học và những điểm bán đồ chơi. Riêng các loại súng và bút bắn điện thường không được trưng bày. Người bán cho hay mặt hàng này hiện bị cấm nên muốn mua phải đặt trước. Ngoài các loại đồ chơi có thể gây nạn cho trẻ, thị trường đồ chơi Sài Gòn vẫn nhan nhản những loại mang tính bạo lực như đao, kiếm, súng và một số đồ chơi dạng cao su lỏng có mùi hôi không ghi nguồn gốc xuất xứ. Đao kiếm là món được nhiều bé trai chọn mua. Ảnh: Cao Lâm. Đại diện Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 cho biết, gần 90% đồ chơi trẻ em trên thị trường VN hiện là hàng nhập khẩu chưa qua kiểm tra và cũng ngần ấy sản phẩm đóng dấu "made in China". Phân tích việc tại sao người tiêu dùng vẫn chọn đồ chơi chưa an toàn, một chủ cửa hàng đồ chơi Lego trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, cho rằng, giá của đồ chơi an toàn cao hơn rất nhiều so với sản phẩm trôi nổi. "Giá một cô búp bê, một bộ lắp ráp được làm nhái giá rẻ hơn rất nhiều lần so với hàng chính hãng, cho nên tạo được sự chú ý của phụ huynh. Tuy nhiên do không qua kiểm dịch nên không ai biết được chúng được làm bằng chất liệu gì và có gây độc hay không", người chủ này nói. Còn theo một số học sinh hiện sở hữu các món đồ chơi nguy hại, ngoài giá không quá cao, điểm thú vị nhất của các loại đồ chơi này là tạo được tính "lạ", đáp ứng sở thích làm anh hùng, thích chiến đấu, thích làm người khác giật mình của tuổi mới lớn. Thầy Đạt, giáo viên một trường cấp 2 tại quận 6 - người từng có học trò bị ngã đập đầu vì súng phát điện, thì cho rằng, học sinh không thể có được những món đồ chơi nguy hại nếu như chúng không được bày bán trên thị trường. Một nguyên nhân khác theo thầy Đạt là do phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến con. Nhằm giảm các rủi ro do đồ chơi gây nên, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng đến việc ban hành Quy chuẩn đồ chơi trẻ em. Theo Bộ, kể từ 15/4/2010, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được bán trên thị trường khi đã được chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn, chẳng hạn về độ pH hay hàm lượng chất độc hại formaldehyt. Theo vnExpress |