Vui Trung thu mà không hiểu Trung thu Theo một số nhà nghiên cứu, Trung thu thực ra không chỉ là Tết dành cho trẻ em, mà còn là một nghi lễ cúng trăng cho mùa màng tốt tươi. Ý nghĩa này đã phai nhạt, đến nỗi nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan than thở: "Coi như mất một cái Tết". Các nhà sản xuất đồ chơi Trung thu truyền thống dường như không hiểu, không theo kịp nhu cầu thị trường. Nhưng đáng lo ngại hơn là, cộng đồng vui Trung thu mà... không hiểu về Trung thu. Không thể giữ mãi đồ chơi cổ Mặt nạ người nhện là món quà mà cậu bé này được bố mẹ mua cho. Ảnh: Như Ý. Theo giáo sư Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, các làng nghề sản xuất đồ chơi Trung thu dần mai một bởi những người thợ thủ công chưa thích ứng được với sự thay đổi của xã hội. "Nhu cầu xã hội thay đổi quá nhanh nhưng đồ chơi Trung thu thì vẫn thế. Các làng thủ công làm đồ chơi chỉ tồn tại và phát triển khi họ biết cải tiến đồ chơi cổ truyền thành đồ chơi hiện đại. Sự cải biến này không chỉ về mẫu mã mà còn cần cả về nguyên vật liệu, màu sắc", giáo sư Nguyễn Văn Huy nhận định. Muốn làm được điều này, theo ông, "cần có tư duy mới, có trí tuệ và sự tham gia của các nhà kinh doanh chuyên nghiệp". Tuy nhiên, theo chị Vương Thu Giang, phụ trách bán hàng của loạt cửa hàng Đồ chơi thông minh ở Hà Nội, đến nay, các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước vẫn chưa đủ nhạy bén. Thường cửa hàng của chị tham khảo các mẫu đồ chơi của nước ngoài hoặc tự thiết kế các sản phẩm dựa trên thị hiếu của khách hàng và đặt hàng các công ty hoặc xưởng sản xuất. Một số khách hàng phản hồi rằng các sản phẩm nội thường có độ an toàn và độ bền cao, giá cả phù hợp, mầu sắc, mẫu mã đã bắt đầu thu hút được trẻ, nhưng bấy nhiêu vẫn chưa thấm vào đâu. Từ góc độ của một nhà quản lý, bà Trần Thị Tuyết Mai, trưởng phòng Nếp sống văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch, khẳng định: "Xu thế chung của trò chơi, các món quà trong ngày Tết trung thu đều mang tính chất của thời hội nhập". Những Trung thu đã mất Theo ông Loan, việc tế trời đất vào Tết Trung thu chính là để cúng ông trăng, tức là cúng con nước, bằng các loại hoa quả và sản vật. "Đây là một lễ tiết vô cùng quan trọng, vì nếu không cúng ông trăng thì con nước hỏng, cây lúa chết. Nhờ cúng ông trăng, vạn vật mới sinh sôi", ông Đặng Hoành Loan nhấn mạnh. "Ông sao" lẻ loi. Ảnh: Như Ý. Giáo sư Nguyễn Văn Huy cũng khẳng định, Tết Trung thu là một ngày lễ quan trọng nhất của sản xuất nông nghiệp. Khi đó, cả cộng đồng cùng tham gia với nhiều trò hát múa dân gian, phổ biến nhất là hát trống quân. Việc rước đèn Trung thu ngày xưa không chỉ là của trẻ con mà huy động toàn cộng đồng tham gia. Ngoài việc cúng tế ông trăng ở đình, mỗi gia đình cũng cúng tế ông trăng ở nhà. Các nghi lễ nói trên đang mất dần và ý nghĩa Trung thu giờ cũng không còn. Do đó, ông Loan cho rằng, "Bây giờ coi như mất một cái Tết quan trọng của người Việt. Người ta chỉ nghĩ rằng vào ngày ấy thì đưa trẻ con đi xem ông trăng, trong khi ở thành phố hiện nay, đèn đóm sáng bừng thì sao xem được trăng". Theo ông Loan, trong vấn đề này, chúng ta "đang tiếp thu văn hóa tương đối tạp và không hiểu cốt lõi của vấn đề". Từ góc nhìn của giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Tết Trung thu của Việt Nam có tính bản địa rất lớn, khác của Trung Quốc. Với Trung thu của Trung Quốc, do vua Đường Minh Hoàng ở thế kỷ thứ 7 nằm mơ lên cung trăng gặp Hằng Nga, tỉnh dậy và nghĩ ra "lễ thưởng trăng" nên ở Trung Quốc mới có bánh tròn. Còn Việt Nam có cả bánh tròn và bánh vuông, tượng trưng cho trời tròn đất vuông và có tục ăn cốm, tức là cho trẻ em uống sữa mẹ Lúa. "Tuy nhiên, giờ đây, nhiều người không dám mua bánh trung thu về ăn nữa vì có những công ty thu gom hàng tấn mỡ đã bị phân hủy làm nhân bánh. Gia đình tôi cũng không dám mua, vậy là tính bản địa ấy đang ngày một mất đi", giáo sư Tô Ngọc Thanh nói chua chát. Để khôi phục được nét đẹp, bản sắc của ngày Tết Trung thu, theo ông Đặng Hoành Loan, trước tiên phải làm cho cộng đồng hiểu Tết Trung thu có giá trị thế nào. Ông bà, cha mẹ dạy cho con trẻ biết thế nào là Tết Trung thu và trong ngày Tết ấy có những nghệ thuật gì... "Khi cộng đồng quên mất cốt lõi của vấn đề thì người ta khó giữ", ông Loan nói. Theo Đất Việt |