Phát triển giao tiếp ở trẻ dưới 3 tuổi Ngoài vấn đề về dinh dưỡng, cân nặng, chiều cao, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em cũng được nhiều phụ huynh quan tâm. Tuổi nào thì trẻ bắt đầu tập nói? Trẻ 15 tháng tuổi thì phải nói được những từ nào? Cha mẹ có thể tham gia như thế nào để giúp bé phát triển giao tiếp? Đây là những câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong đầu những ông bố bà mẹ có con nhỏ. Trẻ dưới 1 tuổi Sau 6, 7 tháng, bé sẽ phản ứng nhiều hơn với những âm thanh nghe được Đồng thời với việc tiếp nhận âm thanh, từ 4, 5 tháng trở đi, bé cũng sẽ bắt đầu bập bẹ, phát ra những "ngôn ngữ" riêng như "uu", "aa", "bah". Hãy khuyến khích bé bằng cách nói chuyện với bé nhiều hơn, khi bé phát ra một âm thanh nào đó, hãy lập lại âm thanh đó, hoặc nói một từ đơn giản có chứa âm đó, ví dụ như "ma ma" cho "aa", "bu bu" cho "uu". Sau 6, 7 tháng, bé sẽ phản ứng nhiều hơn với những âm thanh nghe được, và sẽ cố học theo bố mẹ. Bé có thể bập bẹ những từ đơn giản như "ba, bà, ma, da...". Từ 9-12 tháng, bé bắt đầu hiểu những từ đơn giản. Hãy giới thiệu với bé những từ quen thuộc như "bố, mẹ, chó, mèo, meo meo, gau gau...". Trẻ từ 1- 2 tuổi Từ 15-18 tháng, vốn từ vựng của bé vào khoảng 15-20 từ. Bé biết dùng tay chỉ đồ vật và nhìn bố mẹ để diễn tả nhu cầu của mình. Hãy chơi với bé những trò chơi ngôn ngữ như mẹ hỏi bé "Tai con đâu rồi?", "Mẹ đâu rồi?", "Cái ti-vi đâu hở con?"... để bé vừa trả lời bằng tay, vừa trả lời bằng miệng. Giai đoạn này, từ vựng của bé phát triển nhanh nhưng phát âm thì còn "lệch chuẩn" như "bà ngại, ông ngại, hóc nhè...". 18 tháng trở lên, bé có thể nói "không!" một cách dứt khoát với những mệnh lệnh của người lớn, và cũng sẽ có lúc bạn không thể hiểu được những gì bé muốn diễn tả dù bé có thêm sự trợ giúp của... chân tay. Dù thế nào đi nữa, hãy thật kiên nhẫn và phản ứng thật nhiệt tình với những nỗ lực giao tiếp của bé, nếu bé phát âm sai, hãy giúp bé chỉnh sửa theo kiểu "À, bạn mèo hay khóc nhè đúng không nào?"... Khi nói chuyện với trẻ, hãy cố gắng nói chậm, rõ ràng và dùng những câu ngắn gọn. Trẻ từ 2-3 tuổi 2 tuổi rưỡi, vốn từ vựng của bé là khoảng 200 từ, và đến 3 tuổi, sẽ là 300. Ba mẹ nên cho bé tham gia vào nhiều trò chơi tương tác hoặc các cuộc đối thoại. Đọc sách, hát, chơi trò chơi, hoặc chỉ đơn giản nói chuyện với bé cũng làm tăng vốn từ vựng của bé. Ví dụ, nói với bé về những việc bé đã làm trong ngày, hoặc kế hoạch ngày mai của bé, "Mai là Chủ nhật nè, con thích làm gì?" hoặc đọc cho bé nghe nhiều lần những câu chuyện bé yêu thích và để bé tham gia vào việc kể chuyện với những từ mà bé biết hoặc nhớ được. Theo Tin Tức |