Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Người già mách bảo: Dạy con từ thuở còn thơ


Con trẻ cần có một quan hệ bình đẳng, ứng xử rộng lượng, bao dung của người lớn. Đây chính là giải pháp có tính thuyết phục nhất để trẻ tiếp thu sự giáo dục của cha mẹ, ông bà.

Cây non dễ uốn
Một gia đình có nề nếp, gia phong, học vấn được thể hiện ở cách thức ông bà, cha mẹ và những người lớn giáo dục con cháu ra sao để chúng trở thành người công dân tốt cho tương lai.

Trẻ con khi vừa biết bi bô nên đưa ngay vào khuôn phép "gọi dạ bảo vâng!" để tạo thành thói quen. Trong gia đình, trẻ em cần được đối xử công bằng; Bố mẹ không nên nuông chiều quá mức sẽ tạo cho chúng tính "độc tôn, ích kỷ" coi mình là to nhất, cho phép mình muốn đòi gì được nấy và khi không đạt được ước muốn thì quậy phá, hư hỗn.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay có xu hướng chiều con quá mức, thậm chí trở thành "vô lối". Bệnh "béo phì" khá phổ biến ở trẻ em thành phố hiện nay chính là kết quả của sự chiều chuộng thái quá trong ăn uống mà bố mẹ dành cho chúng.

Lên 5 - 6 tuổi, trẻ em tới trường cũng là thời điểm bắt đầu nhận thức thế giới một cách có hệ thống. Đầu óc trẻ giống như cuộn băng trắng, chúng "ghi" vào đó những kiến thức từ thấp đến cao. Vì vậy trẻ em cần được thừa hưởng một nền giáo dục có chất lượng chuẩn từ gia đình tới nhà trường mới mong thành người. Việc bố mẹ chọn thầy, chọn trường, hướng nghiệp cho con ngay từ khi còn nhỏ cũng là việc nên làm.

Giáo dục con trẻ là việc làm thường xuyên trong gia đình giống như "mưa lâu thấm đất". Không quá nghiệt ngã, căng thẳng nhưng phải nghiêm khắc, trước sau như một, không được nhượng bộ trước những lầm lỗi, chúng sẽ "nhờn" rồi làm phách. Nhưng bên cạnh đó, cần có quan hệ bình đẳng, mềm mại và lòng bao dung đối với con trẻ. Đây chính là giải pháp có tính thuyết phục nhất để chúng tiếp thu sự dạy bảo của người lớn. Trẻ con vốn thật thà, trung thực, bản chất tốt đẹp đó cần được duy trì và nâng lên. Muốn vậy, người lớn không được xui trẻ em làm điều dối trá, ủng hộ và bao che những hành vi dối trá. Phải coi sự dối trá là một thói xấu và trước hết người lớn không làm những điều dối trá để trẻ em bắt chước.

Cần một môi trường giàu tình thương yêu
Gia đình là một cộng đồng nhỏ, có khi gồm tới ba bốn thế hệ cùng chung sống. Cần tạo ra một không khí hoà đồng giữa trẻ em và người lớn. Không nên tạo cho trẻ có cảm giác khoảng cách giữa các thế hệ, không để cho trẻ sợ hoặc ghét một ai trong số người lớn. Vì cảm giác sợ hoặc ghét đều làm cho việc giáo dục trẻ khó khăn hơn. Trẻ thích sự ân cần, độ lượng và công bằng. Người lớn trong nhà cũng cần nhất quán trong những quan điểm và phương pháp giáo dục. Đừng để xảy ra tình trạng bố thì răn dạy, phê phán những thiếu sót của con nhưng mẹ thì lại bênh vực, lấp liếm, che đậy.

Nếu có điều kiện, một năm, đôi lần nên cho trẻ em thành phố về nông thôn và nông thôn ra thành thị để bé được thấy núi đồi, sông suối, rừng cây. Cho bé biết đâu là mái đình, cây đa, giếng nước; đâu là con trâu, con bò, ngan vịt, cánh đồng lúa chín và mùa gặt thơm nức mùi rơm rạ trên khắp những con đường làng... Cho bé thấy sự tấp nập, nhộn nhịp của phố phường.

"Đi một ngày đàng học một sàng khôn !", các cụ vẫn dạy thế. Những chuyện tưởng như "vặt vãnh" ấy nhưng lại vô cùng quan trọng đối với trẻ nhỏ. Nó làm phong phú và đẹp đẽ hơn ký ức tuổi thơ; mở ra những trang mới, cánh cửa mới về nhận thức, góp phần hình thành bản lĩnh, nhân cách và tình yêu của trẻ em đối với thiên nhiên, con người.

Trẻ xin 10 thứ, nên cho 4 - 5
Để hạn chế sự vòi vĩnh, đòi hỏi quá đáng của trẻ, các nhà giáo dục khuyên các bậc cha mẹ: Con cái xin 10 thứ, dù có khả năng đáp ứng nhưng cũng chỉ nên cho 4 - 5 là nhiều. Vì sau này lớn lên, bước vào đời, chúng không thể muốn gì được nấy. Nếu được đáp ứng quá đầy đủ, chúng sẽ thấy cuộc sống dễ dàng quá, nên rất khó thích nghi trước những khó khăn.Cha mẹ Việt Nam thương con, hy sinh cho con, nhưng thường không thích biểu lộ tình thương ấy ra bên ngoài vì sợ con thấy cái yếu đuối sơ khởi của mình. Thật ra không phải vậy, trẻ con trong xã hội hiện đại quen với lối biểu lộ tình cảm ra bên ngoài một cách tự nhiên như yêu thương trìu mến, ôm hôn. Nếu cha mẹ không làm những điều ấy, đầu óc non nớt của trẻ lại có thể đánh giá rằng cha mẹ không thương yêu chúng.
Lê Trung Can (Chuyên gia tư vấn tâm lý)

Theo Giadinh.net