Tư duy mang tính cụ thể
Chỉ có các hình tượng sinh động, rõ rệt mới gây nên sự chú ý, theo dõi của trẻ ở độ tuổi này. Chính vì thế, trẻ rất thích chơi đồ chơi, bởi trong đó có nhiều động tác phối hợp với nhau, có con người, có các vật liệu và các đồ vật cụ thể.
Do vậy, khi nói chuyện hoặc dạy dỗ trẻ, người lớn nên cố gắng phối hợp giữa giảng giải với việc sử dụng giáo cụ trực quan.
Ví dụ: Nếu dạy bé làm tính, thì nên dùng các que chữ. Kể chuyện thì nên lấy búp bê hoặc tranh vẽ để minh họa...
Khả năng phân loại
Để kiểm tra khả năng phân loại của trẻ, người ta xếp lẫn lộn một số tranh vẽ quả táo, chuối, lê, hay bàn, ghế, con mèo, con chó... rồi yêu cầu trẻ xếp tranh của những thứ cùng loại vào với nhau.
Trẻ 4 tuổi chưa thể thực hiện được nhanh hoặc suôn sẻ, nhưng khi 5 tuổi trẻ có thể dễ dàng xếp tranh thành 3 loại như quả, dụng cụ và động vật. Đồng thời, trẻ cũng có thể sắp xếp đồ chơi theo 3 nhóm: màu sắc, hình dáng, kích cỡ.
Khả năng ghi nhớ
• Trẻ có được khả năng phân loại sơ bộ, nhưng khi ghi nhớ sự vật, trẻ sẽ không sử dụng biện pháp phân loại để ghi nhớ.
• Việc nhớ đúng thứ tự cũng là một khó khăn đối với trẻ. Khi nói ra những vật được ghi nhớ, trẻ sẽ nói tên những thứ vừa được nhớ lại trong đầu chứ không theo trình tự nào cả.
• Trẻ lúc này ghi nhớ đồ vật không theo thứ tự một cách máy móc mà nhớ theo mối liên hệ, ý nghĩa của sự việc.
Vì vậy trong huấn luyện trí nhớ cho trẻ 5 tuổi, cách tốt nhất là giảng giải cho bé hiểu ý nghĩa và các mối liên hệ giữa các sự vật, còn hơn là ghi nhớ một cách máy móc mà không hiểu về cái mình cần nhớ.
Nhận biết về giới
Trẻ ở tuổi này đã có thể nhận biết giới tính của mình và sẽ bắt chước người lớn cùng giới để thực hiện các hành vi, vai trò phù hợp.
Ví dụ như bé gái thường thích mặc váy áo của mẹ, đi giày, dùng son phấn, đeo túi xách của mẹ. Bé trai lại bắt chước bố "ra dáng nam nhi".
Trong các hoạt động vui chơi, trẻ cũng thể hiện rõ giới tính của mình: các bé thường chơi với bạn cùng giới. Khi chơi trò đóng vai, bé gái đóng giả làm mẹ, cô giáo, còn các bé trai làm chú công an, bộ đội...
Ngôn ngữ phát triển
Ngôn ngữ phát triển tốt giúp bé dễ dàng nói chuyện với người khác về mọi chủ đề, từ sự việc hàng ngày đến những gì mà bé tưởng tượng. Trong khi tranh luận, trẻ rất hay đưa ra lý lẽ, hay dùng từ "bởi vì", hay hỏi "tại sao"...
Bạn có thể tìm hiểu thêm về việc giúp bé phát triển ngôn ngữ ở từng độ tuổi tại đây.
Những khả năng khác của bé
• Trẻ cũng có thể định nghĩa đồ vật, nhưng thường bằng công dụng của nó, ví dụ như cái cốc là cái để uống nước.
• Hiểu rõ được quan hệ nguyên nhân - hệ quả, thời gian, không gian.
• Trẻ cũng đã nhận biết được các mặt chữ.
• Trẻ đã có hiểu về so sánh, sử dụng các từ so sánh như to hơn, to nhất. Trẻ có thể xếp các đồ vật từ nhỏ nhất đến to nhất, ngắn nhất đến dài nhất, nhẹ nhất đến nặng nhất...
• Trẻ có thể vẽ được hình người 3 phần, tỉ lệ các phần khá hợp lý.
TS Đặng Hoàng minh -ĐH Sư phạm Hà Nội
Theo Bibihome