Bí quyết dạy con từ thuở còn thơ Cùng một tình huống khó khăn, có trẻ vững vàng vượt qua, hoàn thành các nhiệm vụ, nhưng cũng không ít trẻ tỏ ra yếu đuối, sợ hãi, lẩn tránh. Các nhà tâm lý học cho rằng, những biểu hiện đó chủ yếu phụ thuộc vào sự rèn luyện ý chí của người lớn đối với trẻ ngay từ những ngày còn thơ. Nói cách khác, đó là rèn cho trẻ tính tự lập từ rất sớm. Chiều quá hóa hư (Ảnh minh họa) Dù chỉ lớn hơn Thu hai tuổi nhưng cháu Trần Thị Mỹ Hạnh (Tam Phước, Long Thành, Đồng Nai) lại là một cô bé rất chăm chỉ, biết quán xuyến việc gia đình. Cha mẹ đều là công nhân Khu công nghiệp Tam Phước, ít có thời gian chăm sóc con cái nên bé Hạnh tự mình làm hết những việc cá nhân hằng ngày. Hạnh còn tự giác dọn nhà cửa sạch sẽ. 5 năm liền, Hạnh là học sinh giỏi, luôn tự biết sắp xếp thời gian cho việc học và chơi. Mẹ Hạnh tâm sự, từ lúc 5 tuổi, chị đã dạy Hạnh cách tự lập thông qua các công việc đơn giản hằng ngày như lấy chổi quét nhà, đánh răng, rửa mặt, làm bài tập... Vì sao trẻ gặp khó khăn? Ngược lại, một số trẻ hay phụ thuộc vào người lớn, đặc biệt trường hợp cha mẹ quá nuông chiều, không cho con tham gia vào công việc thường nhật thì dễ hình thành tâm lý yếu ớt, sợ hãi, nhút nhát, không dám va chạm hoặc đối mặt với những khó khăn. Đó là cơ sở hình thành các tâm lý tiêu cực, như mất niềm tin, thiếu dũng khí, nhu nhược, lười biếng. Người lớn cùng tham gia Để trẻ có khả năng vượt qua những khó khăn, trở ngại "vừa sức", trở thành những người có nghị lực thì ngay từ những năm tháng đầu đời, hãy cho trẻ "độc lập" trong các hoạt động với môi trường xung quanh, tạo nhiều cơ hội cho trẻ tự giải quyết, phát huy khả năng cá nhân, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo. Người lớn luôn là điểm tựa trong những tình huống, hoàn cảnh khó khăn, có thể hướng dẫn, giúp trẻ cách giải quyết vấn đề khó một cách thuận lợi và đem lại cho trẻ sự hứng thú, phấn khởi. Tùy thuộc vào độ tuổi và sự phát triển tâm sinh lý, giới tính..., người lớn nên sắp xếp công việc phù hợp, kết hợp các hoạt động học tập, vui chơi, đem lại niềm vui cho trẻ. Có thể dùng phương pháp thi đua, khen thưởng, động viên, khuyến khích giữa những đứa trẻ với nhau và giữa trẻ với người lớn để trẻ có thể khẳng định khả năng của mình. Tuy nhiên, cũng không nên để trẻ tự do hoạt động quá mức. Mọi hoạt động của trẻ nên diễn ra trong tầm kiểm soát của người lớn, đảm bảo tính thử thách phù hợp với sức khỏe, khả năng và đảm bảo an toàn cho trẻ. Nguyễn Văn Công (Giảng viên tâm lý học)
|