Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cha mẹ - người dạy bé thông minh


Nhiều người quan niệm rằng cho trẻ tiếp xúc sớm với ngôn ngữ qua phương tiện truyền thông tiến bộ, mua băng đĩa dạy ngôn ngữ cho trẻ... sẽ làm trẻ nhanh biết nói và thông minh hơn ngay từ bé, thậm chí có khả năng trở thành thiên tài.

Công bố khoa học gần đây của hai giáo sư Frederick Zimmerman và Dimitri Christakis thuộc Trường Đại học Washington (Mỹ) trên tạp chí chuyên ngành do Học viện Y khoa American Academy phát hành lại cho thấy kết quả hoàn toàn ngược lại.

Dựa trên quá trình thực nghiệm liên tục trong 3 tháng đối với trẻ em từ 8 đến 18 tháng tuổi xem tivi, DVD hơn một giờ mỗi ngày, các giáo sư thấy rằng vỏ ngôn ngữ của các em này ít khả năng tiếp thu ngôn ngữ hơn 10% so với trẻ không tiếp xúc với các phương tiện truyền thông.

Theo giáo sư Dimitri Christakis, nguyên nhân chính dẫn đến sự tác động trái ngược trên là do chức năng hoạt động của bộ não yêu cầu đối với một người bình thường: tốc độ tư duy nhanh và khả năng nhìn nhận sự vật. Nhưng khả năng "xem" chỉ cần ở mức độ bình thường, trong khi các nhà sản xuất lại tạo ra sản phẩm theo "cơ chế" ngược lại.

Ngoài ra, còn có bằng chứng "tố cáo" các băng đĩa dạy ngôn ngữ cho trẻ không hề thúc đẩy ngôn ngữ ở trẻ mà đó chẳng qua chỉ là sự ghép nối các hình ảnh và các từ ngữ lại với nhau một cách nhanh chóng từ chính cuộc thực nghiệm này. Thậm chí với cả những băng đĩa nổi danh chuyên dụng cho mục đích phát triển trí tuệ ở trẻ như "Baby Einstein", "Brainy Baby" hay chương trình giáo dục Sesame Street, thì vẫn làm hạn chế khả năng phát triển các kĩ năng ngôn ngữ của trẻ trong quá trình não tự đào tạo, hoàn thiện nó; chưa kể đến khả năng này tiếp tục bị ảnh hưởng về sau.

Giáo sư bác sĩ Vic Strasburger, chủ nhiệm khoa nhi tại Trường Đại học Y khoa New Mexico cho biết, cách hoàn hảo nhất để trẻ học ngôn ngữ đó là "face-to-face" (tạm dịch: "mặt đối mặt") để học. Ông nhấn mạnh: "Trẻ em cần có sự tương tác với ngôn ngữ để học hỏi về nó".

"Dù cả hai đều là ngôn ngữ tự nhiên nhưng ở trên tivi thì không giống với ngoài đời thật", giáo sư Christakis đồng tác giả của cuộc thực nghiệm này giải thích.

Do đó thay vì "ép" trẻ sớm thông minh bằng cách tiếp xúc với ngôn ngữ qua phương tiện tiến bộ thì sao chúng ta không dùng các phương pháp giáo dục thủ công nhưng hiệu quả để dạy trẻ. Và trẻ hoàn toàn có thể tự nhiên hình thành các kĩ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết từ cơ chế bắt chước ở người lớn.

Hay nói cách khác, trong khoảng thời gian đầu đời của trẻ, người mà trẻ cần phải "thần tượng" không đâu xa chính là bạn - cha mẹ của chúng. Vì vậy hãy để cho con trẻ "thông minh theo kiểu bạn" chứ đừng thay vào đó là "một người lạ".

Theo PNO