Biếng ăn ở trẻ: Triệu chứng và hậu quả lâu dài "Biếng ăn" là gì và những tác hại của chứng này nghiêm trọng tới mức nào? Bài viết sau đây sẽ chia sẻ một số dấu hiệu của chứng biếng ăn ở trẻ để các bậc cha mẹ có thể phát hiện và có phương pháp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc về sau. Các dấu hiệu nhận biết thường gặp Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng biếng ăn ở bé. Đôi khi chỉ là do khí hậu thay đổi tác động đến tình trạng sức khỏe làm bé biếng ăn hơn mọi ngày. Nếu bé đang mắc các bệnh như viêm đường hô hấp hay tiêu chảy... thì cũng rất dễ dẫn đến hiện tượng biếng ăn ngắn hạn. Cũng có khi do mẹ cho bé ăn thức ăn không hợp khẩu vị, thành phần thức ăn cho bé không đầy đủ dưỡng chất, cho ăn không đúng cách như dọa nạt, ép trẻ ăn quá nhiều hay thờ ơ, ít quan tâm đến bữa ăn của trẻ cũng rất dễ khiến bỏ bữa ăn hằng ngày. Nếu tình trạng bỏ bữa này có thể kéo dài, chứng biếng ăn sẽ trở nên nghiêm trọng kéo dài. Hậu quả lâu dài Hậu quả lâu dài của biếng ăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy trí tuệ của trẻ, trẻ biếng ăn thường không đủ dinh dưỡng và thiếu cân bằng dưỡng chất trong cơ thể, điều đó khiến cho trẻ hay mệt mỏi, cơ thể không đủ lực cho trí óc tập trung và tư duy, vì vậy thường lơ là chuyện học tập và thành tích học tập xấu hơn những trẻ khỏe mạnh. Khoa học cũng đã có những chứng minh lâm sàng, rằng chỉ số phát triển trí tuệ MDI (Mental Developmental Index) của những trẻ biếng ăn chỉ được 96 điểm, tức thấp hơn 14 điểm so với 110 điểm của những bé ăn uống tốt. Một hậu quả khác nữa là biếng ăn ảnh hưởng đến tâm sinh lý và tính cách của trẻ, những trẻ biếng ăn không có đủ dinh dưỡng thường không thích vận động do mệt mỏi, bé thường ủ rũ và không thiết chơi đùa. Điều đó dẫn đến việc hình thành sự chậm chạp và tính cách lập dị so với bạn bè và môi trường xung quanh. Tình trạng này lâu dài sẽ dẫn đến hiện tượng trầm cảm hay tự kỷ ở trẻ nhỏ. Vì vậy, khi quan sát thấy những dấu hiệu biếng ăn đầu tiên, cha mẹ nên ngay lập tức kiểm tra lại chế độ dinh dưỡng, lượng thức ăn đang cung cấp cho bé hằng ngày. Đồng thời, thay đổi cách tiếp cận với trẻ trong suốt bữa ăn, nên gần gũi với con để phát hiện đâu là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng chán ăn bỏ bữa của trẻ. Hạn chế tối đa việc để bé biếng ăn lâu ngày và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho thể chất và trí lực về sau. Và cuối cùng quan trọng nhất vẫn là việc ngăn chặn và trị dứt được chứng biếng ăn hay không là do sự quan tâm và nhẫn nại của cha mẹ. (Còn tiếp) Theo Thanh Niên |