Cổ tích dưới bàn tay những người trẻ tuổi. Viết kịch bản từng truyện, vẽ tranh minh họa theo trường phái Chibi bắt mắt nhất của thế hệ 8x, đó là kế hoạch khai thác truyện cổ tích VN dưới tên gọi Sắc màu cổ tích đang được NXB Kim Đồng liên kết với êkip thực hiện của Công ty Phan Thị. Bằng giọng điệu trẻ thơ hơn “Phải kể lại cổ tích bằng giọng điệu trẻ thơ hơn, có chất văn học hơn và vui hơn, để các em cảm được truyện cổ tích trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Những nét vẽ minh họa cũng phải gần hơn, thích hợp hơn với cách suy nghĩ của các em hiện nay và đặc biệt là phải đẹp, trong sáng” - chị Phan Thị Mỹ Hạnh, giám đốc Công ty Phan Thị, nói về ý tưởng ban đầu của việc tổ chức thực hiện bộ truyện Sắc màu cổ tích. Trung tâm của việc thực hiện bộ sách này là chính các bạn thuộc thế hệ 8x (sinh trong thập niên 1980). “Dẫu không còn ở độ tuổi cổ tích, nhưng thế hệ 8x vẫn gần với các em thiếu nhi hiện nay”. Từ những tin tưởng đó, Công ty Phan Thị phát động nhiều đợt tuyển người viết kịch bản, cuối cùng bốn bạn được giao là Hoài Sâm, Ngọc Lâm, Thanh Trúc, Thanh Hằng. “Để viết được kịch bản một truyện cổ tích cho tập Sắc màu cổ tích, cần phải đọc, phải hiểu tâm lý các nhân vật xưa, hiểu môtip các câu chuyện cổ tích, từ đó tìm cách diễn đạt, khắc họa, đề xuất hình vẽ... Tóm lại là làm cho nhân vật cổ tích gần gũi với thiếu nhi hiện nay từ hình dáng đến câu chuyện” - các bạn viết kịch bản nói về công việc của mình. Với hai êkip chia nhau viết kịch bản và vẽ minh họa, sự tự do suy tưởng của cả hai bên được khai thác tối đa. Tuy nhiên, có nhiều lúc hai bên không thống nhất được, vậy là kịch bản phải sửa tới sửa lui, và tranh minh họa cũng phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Những sáng tạo bất ngờ Sắc màu cổ tích (đã phát hành năm tập đầu) gồm có năm màu chia theo từng môtip: màu đỏ dành cho những truyện anh hùng; màu xanh là những chuyện loài vật, cây cối; màu vàng là những truyện công chúa, hoàng cung; màu tím là các loại truyện tình cảm; màu hồng của các truyện phép thuật, thần tiên. “Kệ sách truyện của các em sẽ tươi tắn hơn khi có năm màu như thế. Sắp tới, chắc sẽ thêm một màu nữa cho các truyện theo môtip đồ vật vui nhộn - màu cam” - Hoài Sâm, vừa tốt nghiệp khoa văn Đại học KHXH&NV, hào hứng kể về những ý tưởng. Chị Mỹ Hạnh cho biết: “Trong hàng trăm cộng tác viên của fans club Thần Đồng Đất Việt, bốn tay cọ vẽ tranh minh họa (hai là học sinh THPT, hai sinh viên) được tuyển theo tiêu chí sử dụng nét vẽ Chibi của Nhật Bản và Trung Quốc - một hình thức cách điệu nét vẽ nhân vật theo hướng “dễ thương hóa”, nhân vật có thể không tuân theo những đường nét kích thước thông thường, nhưng nhất thiết phải dễ thương hơn". Bởi vậy, những hình ảnh thiên lôi, long vương, táo quân... được sáng tạo theo hình dung của tuổi thơ cộng với nét vẽ Chibi thành những nhân vật cổ tích hoàn toàn mới lạ, rất dễ thương. Chẳng hạn hình ảnh đao phủ trước giờ xử trảm nhổ toẹt một bãi nước bọt lên thanh đao to sù cũng là một ý tưởng vui nhộn mà “chỉ có các em mới nghĩ ra”.
Tuổi Trẻ (*) Manga được hiểu là Japanese Comics - truyện tranh Nhật Bản. Từ Manga lần đầu được biết đến khi tập tranh vẽ của Hokusai được công bố thế kỷ X.IX (**) Comics là hình thức nghệ thuật bao gồm chuỗi hình ảnh tĩnh kể lại một câu chuyện. Từ Comic phát sinh từ các băng tranh trên báo đa phần mang tính hài hước |