Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giảm cơn đau do chuột rút


Ngay khi cơn chuột rút xuất hiện, bạn nhanh chóng ngồi bệt, từ từ duỗi thẳng bắp chân. Hai tay chống ở phía sau làm điểm tựa và nhờ chồng nhẹ nhàng bẻ cong các ngón chân, hướng theo chiều đầu gối, kết hợp với việc xoa bóp cơ chân trong ít phút.

Phương pháp này có thể khiến bạn bị đau trong chốc lát nhưng nó sẽ nhanh chóng làm dịu sự co cơ, đẩy lùi cơn đau.

Ngoài ra, có thể giảm cơn đau bằng cách massage chân với một chai nhựa đựng đầy nước ấm hoặc nước mát (dùng chai nhựa lăn qua lăn lại ở vùng chân bị đau). Tiếp đến, đứng lên đi dạo trong ít phút cũng mang lại hiệu quả tốt.

Nếu cơn chuột rút xảy đến trong lúc đang ngủ với tư thế nằm co chân, bạn nên từ từ duỗi thẳng bắp chân. Nếu duỗi mạnh chân, cơn đau sẽ trầm trọng hơn. Tiếp đến, bạn áp dụng cách massage chân như trên cho đến khi cơn đau đỡ hẳn.

Những cách phòng tránh chuột rút:

- Không đứng hoặc ngồi ở tư thế vắt chéo chân trong thời gian dài.

- Hàng ngày trước khi đi ngủ, nên áp dụng bài luyện tập cho đôi chân như sau: Ngồi tựa lưng, duỗi thằng hai bắp chân. Tiếp đến, nhờ chồng nâng một chân lên, xoay tròn cổ chân, theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Khẽ gập chân lại rồi từ từ duỗi thẳng chân ra. Đổi bên và lặp lại động tác với bên chân kia.

- Thỉnh thoảng, nên xoay tròn mắt cá chân và xoa bóp các ngón chân trong lúc bạn ngồi xem tivi hay ngồi đọc sách.

- Nên đi dạo bộ hàng ngày.

- Nên nghỉ ngơi đủ, uống đủ nước, nằm nghiêng về bên trái để tăng tuần hoàn đến đôi chân.

- Một số ý kiến cho rằng, chứng chuột rút bắt nguồn từ việc thiếu hụt magiê và canxi trong cơ thể. Nên tăng cường thức ăn giàu canxi và sử dụng canxi tổng hợp theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, không phải uống thêm canxi là bạn tránh được cơn đau do chuột rút. Thực tế, khá nhiều thai phụ bổ sung đủ canxi nhưng vẫn phải đối mặt với chứng chuột rút.

Dấu hiệu nên đi khám: Những cơn đau do chuột rút xuất hiện liên tục kèm theo biểu hiện phù ở chân.

Theo Mevabe