Cẩn thận khi khoán việc cho con Cháu Thành Tâm (10 tuổi, ở Đồng Nai) được đưa đến các chuyên gia tâm lý với những biểu hiện bất thường trong giao tiếp. Cháu luôn trong trạng thái bất an, lo lắng quá mức ngay cả khi cháu vui chơi trong nhóm bạn cũng như trong sinh hoạt gia đình. Cháu tham gia các trò chơi nhưng thường xuyên bỏ cuộc vì lý do ngày nào cháu cũng bị cha mẹ bắt buộc phải làm xong công việc được giao, nếu không sẽ bị đòn. Cần quan tâm khả năng của trẻ đến đâu để có thể giao việc phù hợp Hiện nay, một số trẻ em thường bị người lớn "khoán trong ngày" phải thực hiện xong một khối lượng công việc nào đó mà không biết con mình có khả năng thực hiện được hay không. Hậu quả là phần lớn trẻ bị áp lực quá lớn, tổn thương tinh thần khi tâm hồn còn non nớt, yếu đuối. Không ít phụ huynh cho rằng, việc giao khoán việc cho con là một phương pháp giáo dục hiệu quả. Với suy nghĩ "trẻ buộc phải hoàn thành nếu muốn được vui chơi, giải trí", một số phụ huynh tán thành quan điểm khoán trắng sẽ giúp trẻ phát triển ý thức độc lập, càng làm nhiều việc thì tính tự lập của trẻ càng cao. Việc quản lý trẻ đối với người lớn trở nên nhàn nhã hơn, trẻ càng có nhiều cơ hội tìm hiểu, khám phá hoạt động của mình, nhanh chóng phát triển tư duy... Tuy nhiên, "khoán trắng" theo kiểu áp đặt, bắt buộc trẻ phải thực hiện theo yêu cầu của mình trong một khoảng thời gian, với điều kiện nhất định đã khiến nhiều trẻ phải chịu sức ép rất lớn từ chính người thân của mình. Một số trẻ dễ mang tâm trạng lo âu hàng ngày, thậm chí biểu hiện cả trong giấc ngủ. Số trẻ khác thì luôn tìm cách đối phó vì công việc đó không phù hợp với khả năng. Từ đó trẻ bắt đầu tìm ra những "thủ thuật" để đối phó lại cha mẹ như nói dối hoặc chống trả quyết liệt. Có trường hợp vì sợ cha mẹ nên các em dần dần rơi vào trạng thái trầm cảm, xa lánh tất cả mọi người, mất hứng thú với công việc đó. Nghiêm trọng hơn, các chức năng hoạt động của hệ thần kinh có thể bị giảm sút nghiêm trọng do áp lực quá lớn dẫn đến trẻ bị ảo giác, giảm sút chú ý, thường xuất hiện tình cảm tiêu cực, tư duy thiếu linh hoạt, bị động, thiếu chí tiến thủ... Trẻ em ở mỗi lứa tuổi khác nhau có những biểu hiện tâm lí nhất định. Chính vì vậy, cha mẹ hãy là điểm tựa tinh thần giúp trẻ có thể vượt qua, hoàn thành công việc theo ý định của mình. Trước hết, không nên "khoán trắng" cho trẻ trong bất kì hoàn cảnh nào, đặc biệt là trong việc học tập, luôn tạo điều kiện cho trẻ tham gia giải quyết những việc phù hợp với khả năng cũng như hứng thú ở trẻ. Cần quan tâm khả năng của trẻ đến đâu để có thể giao việc phù hợp, đồng thời luôn nắm vững những diễn biến tâm lý trong hoạt động. Thường xuyên kích thích trẻ thích làm việc nhưng không phải là sự ép buộc. Nếu trẻ thất bại, cha mẹ hãy giúp trẻ tìm ra nguyên nhân và gợi ý các biện pháp để trẻ tiếp tục thực hiện. Nên cho trẻ tham gia các hoạt động vừa sức để trẻ có thể tự giác tiến hành mà không bị ức chế, áp lực. Trong đó cần kết hợp giữa chơi và học, khơi nguồn hứng thú ở trẻ, để các em có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Theo Tin Tức
|