Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ngộ độc thức ăn ở bé


Các triệu chứng ngộ độc thường xảy ra sau khi bé ăn hoặc uống một vài loại thực phẩm có chứa vi khuẩn gây bệnh. Các dấu hiệu ngộ độc thức ăn điển hình là: tiêu chảy, nôn (trớ), quấy khóc liên tục, thậm chí là sốt.

Vi khuẩn gây ngộ độc

Campylobacter: Có nguồn gốc từ những loại thịt gia cầm chưa được nấu chín hoặc sữa bị nhiễm khuẩn, nguồn nước bị nhiễm bệnh.

Vi khuẩn này không lây lan từ người sang người nhưng một số trường hợp đặc biệt lại khá nguy hiểm; chẳng hạn, nếu bé bị nhiễm khuẩn Campylobacter và mắc tiêu chảy thì vi khuẩn có thể dính vào tay mẹ khi thay tã cho bé. Nếu mẹ không vệ sinh sạch sẽ bàn tay thì vi khuẩn sẽ theo thức ăn vào cơ thể mẹ. Kết quả, mẹ cũng có khả năng bị ngộ độc thức ăn.

Khuẩn Campylobacter cũng được tìm thấy trong phân mèo hay phân chó.

Các triệu chứng bị ngộ độc do nhiễm Campylobacter là: tiêu chảy (có thể lẫn với máu), nôn (trớ), đau bụng, sốt kéo dài trong vòng 2 ngày hoặc hơn.

Salmonella: Có mặt trong trứng, thịt gia súc, gia cầm sống (hoặc chưa được nấu chín); sữa và các sản phẩm từ sữa nhiễm khuẩn; thủy, hải sản nhiễm khuẩn.

Các triệu chứng ngộ độc thức ăn do khuẩn Salmonella là: sốt, tiêu chảy, đau bụng và có thể xuất hiện những chấm hồng nhỏ trên da, kéo dài 48h hoặc có khi lên tới cả tuần.

E. coli: được tìm thấy trong thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn.

Triệu chứng ngộ độc do khuẩn E.coli là: đi tiêu ra máu, đau bụng, hiếm khi bị sốt, kéo dài 48h hoặc lên tới 5 ngày.

Botulism: Có mặt trong một số thức ăn đóng hộp, cá chưa chín kỹ hoặc cá hun khói, mật ong, nước ngọt.

Triệu chứng ngộ độc do botulism là: táo bón, yếu ớt (bé khóc yếu, kém bú và ít cử động hơn bình thường), mí mắt ủ rũ, khó khăn khi nuốt, trong vòng 8-36h. Nếu không được điều trị, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào các cơ và khiến bé suy giảm hô hấp.

Chăm sóc bé

Bạn vẫn nên cho bé bú như bình thường. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định dùng nước điện phân (thành phần chủ yếu là muối và các khoáng chất) cho bé.

Tránh cho bé dùng nước hoa quả, nước ngọt vì chúng sẽ khiến tình trạng ngộ độc ở bé nghiêm trọng hơn.

Nếu bé bị sốt, bác sĩ sẽ chỉ định cho bé dùng thuốc hạ sốt an toàn.

Phòng tránh ngộ độc thức ăn cho bé

- Không nên bỏ thức ăn ra ngoài tủ lạnh quá lâu mới bắt đầu cho bé ăn hoặc uống.

- Khi hâm lại thức ăn cho bé, nên đảm bảo thức ăn phải được chín lại thực sự, chứ không chỉ được làm ấm.

- Không dùng chung đĩa, chung dao, thớt giữa thức ăn chín và thức ăn sống.

- Rửa sạch thịt, cá trước khi chế biến.

- Không cho bé dùng thức ăn có mùi, vị khác thường.

- Không dùng thức ăn quá hạn sử dụng, thực phẩm đóng hộp bị rách, nát; sữa không rõ nguồn gốc.

Theo Mevabe