Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sinh con ra mà chẳng muốn chăm


Hồi mang bầu, ngày nào Nhung cũng mong ngóng con chào đời để được trò chuyện, mặc quần áo, ôm hôn con. Thế nhưng, khi có con thật, Nhung chỉ ước nhờ được bác sĩ làm cách nào để giúp bé chui lại vào bụng mẹ thì tốt.

Trước đây, tính tình Nhung (Bắc Ninh) khá dịu dàng, không to tiếng hay nổi nóng với ai bao giờ. Tuy nhiên, từ hồi sinh con đầu lòng, Nhung trở nên dễ cáu giận, khó kiềm chế. Nhờ chồng bế con một lúc mà bị từ chối, Nhung nóng nảy, ném cả cốc nước đang uống dở xuống sàn nhà. Những đêm con quấy khóc nhiều quá, dỗ không được, Nhung bực bội, sẵn sàng bỏ mặc con khóc. Trở ra phòng khách được một lúc thì cô thấy ân hận, lại quay vào chăm con.

Nhiều lúc mệt mỏi, Nhung chỉ mong, có phép thần đưa con trở lại bụng mẹ. Mang bầu tuy hơi nặng nề, vất vả nhưng còn dễ thở hơn chăm con mọn. Biết như vậy không đúng nhưng Nhung cũng không thể bắt mình đừng nghĩ tiêu cực được.


Ảnh minh họa.

"Con không trông được cháu đâu. Ông bà chăm giúp con luôn đi" - Tâm (Cầu Diễn, Hà Nội) đã giao cậy hoàn toàn việc trông con nhỏ cho ông bà nội, dù cô đang còn trong thời gian ở cữ. Ngoài nhiệm vụ cho con bú, Tâm chẳng muốn tắm, bế hoặc chơi đùa với con. Lúc nào trong người Tâm cũng thấy mệt mỏi, chán nản, thất vọng. Cảm xúc này hoàn toàn trái ngược với sự háo hức khi Tâm mong ngóng con chào đời.

Nhiều lúc, thấy tội lỗi, Tâm cố gắng gần gũi với con. Nhưng vừa bế, con đã khóc, dỗ mãi không nín nên Tâm lại cáu. Hôm nào, bà nội giành phần trông cháu thì Tâm nhẹ nhõm còn nếu chẳng may, bà nội bận, một mình loay hoay với đống sữa và tã lót cho con, Tâm khó chịu đến cao độ. Cô chẳng có cảm giác hạnh phúc vì được làm mẹ và cũng không thấy yêu thương con nhiều, thậm chí, có lúc, Tâm còn thấy ghét con vì bé gây phiền nhiễu.

Nguyên nhân có thể liên quan đến chứng trầm cảm sau sinh

Các chuyên gia cho rằng, khoảng thời gian sau sinh, nhiều người mẹ bị thay đổi tâm sinh lý theo hướng tiêu cực: dễ buồn, dễ khóc, hay cáu gắt, mất cảm giác tập trung, kém ăn, chán ngủ... Một số người mẹ do vất vả khi chăm con nhỏ, cộng thêm tác động của trầm cảm sau sinh nên không cảm nhận được tình yêu và trách nhiệm dành cho con mình. Cảm xúc này thường xuất hiện vào khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 sau sinh và được gọi là "cơn buồn thoáng qua sau sinh". Sau đó, các triệu chứng trên sẽ từ từ biến mất hẳn.

Tuy nhiên, nếu tình trạng chán nản kéo dài, người mẹ nên cân nhắc các triệu chứng của trầm cảm sau sinh dưới đây:

- Luôn cảm thấy buồn phiền, cho dù đó là hoạt động yêu thích của người mẹ trước đây; thờ ơ với mọi thứ xung quanh.

- Không ăn được, sút cân, khó ngủ, luôn mệt mỏi.

- Có thể khóc không rõ nguyên nhân, cảm thấy bản thân mang tội lỗi lớn, cuộc sống vô giá trị.

- Bồn chồn, lo âu và luôn bi quan về tương lai; có suy nghĩ không muốn chăm con, sợ mình sẽ làm hại con và muốn tự tử...

Với những biểu hiện trên, người mẹ nên đi khám sớm. Nếu trầm cảm sau sinh không được phát hiện và can thiệp kịp thời, người mẹ dễ dẫn tới những hành vi tiêu cực như làm hại con hoặc hủy hoại bản thân.

Bên cạnh đó, người mẹ cũng nên học cách chia sẻ cảm xúc với người thân, tránh để mình rơi vào cô đơn, bế tắc. Nên nhờ chồng và người trong gia đình hỗ trợ việc chăm con để tránh mệt mỏi và suy sụp tinh thần.

Theo Mevabe