Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bảo vệ con trước tội ác


Không bao giờ là quá sớm để áp dụng các biện pháp phòng ngừa, giúp con tránh rơi vào những cạm bẫy của yêu râu xanh.

Bạn cũng nên cung cấp cho trẻ những kiến thức cơ bản nhất về giới tính. Với cách này, trẻ sẽ ý thức được cơ thể mình và có thể tự bảo vệ mình trước những nguy cơ xâm hại.

Phòng còn hơn chữa
- Giáo dục con là biện pháp phòng tránh hữu hiệu nhất. Ngay từ bé, mẹ hãy dạy cho con biết có những điểm kín đáo trên cơ thể mà không ai được phép đụng chạm vào ngoài mẹ hoặc người thân khi tắm hay vệ sinh cho bé. Bạn cũng nên cung cấp cho trẻ em những kiến thức cơ bản nhất về giới tính. Với cách này, bé sẽ ý thức được cơ thể mình và có thể tự bảo mình trước những nguy cơ xâm hại.

Không bao giờ là quá sớm để áp dụng các biện pháp phòng ngừa, giúp con tránh rơi vào những cạm bẫy của yêu râu xanh

- Hãy chỉ cho con biết rằng không phải người lớn nào cũng tốt. Có những người lớn không tốt, thường tìm cách dụ dỗ để làm hại trẻ con. Do đó nếu có ai đụng chạm vào phần nhạy cảm, phải phản đối một cách cương quyết. Trong tình huống nguy hiểm, trẻ có thể cắn, kêu khóc hoặc gào lên để tìm sự trợ giúp, ứng cứu và bỏ chạy thoát thân.

- Dạy cho trẻ biết thân thể là "tài sản riêng" của chúng. Trẻ có quyền từ chối những cái ôm hoặc những tiếp xúc gây khó chịu.

- Dạy trẻ không bao giờ được đi vào chỗ kín, nơi vắng vẻ với một ai nếu không có sự đồng ý của bố mẹ. Và dạy trẻ tuyệt đối không được nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người lạ mà không rõ lý do. Không đi nhờ xe, không để cho người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình. Dạy trẻ không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình. Không nói chuyện điện thoại với người lạ khi đang ở nhà một mình.

- Với trẻ lớn hơn, bạn có thể dạy cho các cháu biết những hành vi xâm hại tình dục là phạm pháp. Dạy cho trẻ biết quyền mình được bảo vệ và tự bảo vệ.

- Bạn nên thường xuyên trò chuyện với con cái mình về những vấn đề tế nhị. Khuyến khích chúng đặt câu hỏi về các vấn đề khác nhau trong cuộc sống cũng có nghĩa là khuyến khích chúng đặt những câu hỏi về những vấn đề sâu kín.

- Không phải bất cứ trường hợp bị lạm dụng tình dục nào cũng có bạo lực. Trẻ em thường tin tưởng người lớn, nhất là người thân trong gia đình. Chúng thường dễ dàng chấp nhận những gì người ta yêu cầu để đổi lấy tình yêu thương hay che chở. Đây cũng là lý do vì sao trẻ thường bị lạm dụng bởi người thân và thường các trường hợp lạm dụng rơi vào im lặng.

Nếu tai nạn xảy ra
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị lạm dụng tình dục (LDTD)
- Trẻ sợ hãi một người hoặc một nơi đặc biệt nào đó. Chẳng hạn, trẻ không muốn ở một mình với người vú nuôi, người bạn, người thân, một trẻ hay người lớn khác.
- Ác mộng, rối loạn giấc ngủ, sợ bóng tối và tính khí thay đổi đột ngột: giận dữ, sợ hãi, thu mình.
- Chán ăn, rối loạn ăn uống hoặc nuốt thức ăn.
- Đau bụng không rõ lý do hay tiểu dầm (trước đó đã hết tiểu dầm từ lâu).
- Cảm thấy không thoải mái hoặc tránh nói về điều "bí mật" trẻ đã có với một người lớn.
- Phản ứng không bình thường từ trẻ khi được hỏi chúng có tiếp xúc đụng chạm với người nào đó không.
- Sợ hãi một cách không lý do khi được thăm khám cơ thể.
- Trẻ vẽ những hình vẽ liên quan đến hành vi tình dục.
- Thay đổi đột ngột hành vi như mút tay, đái dầm hay ị đùn.
- Trẻ bỗng hiểu rõ bộ phận sinh dục, các hoạt động tình dục cũng như các từ ngữ liên quan. Trẻ có hành động tình dục với đồ chơi, thậm chí tìm cách thực hiện hành vi tình dục với đứa trẻ khác.
- Đặt tên mới cho phần của cơ thể.
- Đột nhiên có nhiều tiền.

Đối mặt với sự thật
- Khi biết sự thật đau buồn, điều đầu tiên bạn nên làm là dành nhiều thời gian để chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần của con. Tuyệt đối tránh việc mắng nhiếc làm cho con cảm thấy hoảng sợ hơn và không dám khai nhận sự thật. Đứa trẻ sẽ vững vàng hơn khi được cha mẹ động viên: con không có lỗi, con chỉ là nạn nhân, kẻ gây ra hành vi này mới có lỗi, mới đáng xấu hổ và bị lên án. Hãy giúp trẻ cân bằng lại tâm lý, chăm sóc đặc biệt về thể chất, chữa trị hậu quả và điều trị về tâm lý tránh những tổn hại về nhân cách cho trẻ sau này.

- Trong lúc này, người mẹ là chỗ dựa tốt nhất cho con. Hãy làm cho trẻ tin cậy và chia sẻ. Đứa trẻ sẽ dễ dàng vượt qua được cú sốc nếu như cha mẹ biết cách xoa dịu. Trẻ cần phải nói ra, cần chia sẻ và đối mặt với sự việc đã thoát ra khỏi ảnh hưởng của nó. Những an ủi, vỗ về cũng giúp con vượt qua được sự hoảng loạn hay ác mộng thường thấy ở trẻ bị xâm hại. Và việc này cần được duy trì trong thời gian dài.

- Một điều hết sức quan trọng mà cha mẹ có con bị LDTD cần làm là giúp trẻ loại bỏ được mặc cảm với tội lỗi. Hãy cho trẻ dự các buổi thảo luận về LDTD trẻ em, đọc các sách nói về LDTD và điều trị tâm lý để giúp trẻ có một cuộc sống bình thường. Qua trị liệu, trẻ sẽ chấp nhận thực tế rằng tai nạn quả thật đã xảy ra, nhưng đó không phải là ngày tận thế, và các em có thể vượt qua để sống tiếp. Trẻ sẽ biết rằng nhân phẩm của mình không vì thế mà trở nên nhơ bẩn. Nhờ đó, trẻ sẽ phát triển bình thường và nỗi đau bị xâm hại không còn là sự ám ảnh triền miên nữa.

- Có những bậc cha mẹ, vì sợ xấu hổ nên thường giấu giếm sự việc khiến tội phạm lọt lưới. Song đây không phải là cách hay. Tốt nhất nên tố giác tội phạm với các cơ quan chức năng nhằm ngăn ngừa tai hoạ cho những trẻ khác. Có điều để các thủ tục pháp lý ít gây tổn thương nhất cho trẻ, bạn cần phối hợp với các chuyên gia tâm lý.

- Khi bé đã qua cơn sốc đầu tiên, nên tránh khơi gợi lại địa điểm, khơi gợi lại những quá khứ đau buồn.

- Sự nâng đỡ tình cảm, tinh thần và lòng tin của gia đình, bạn bè, nhà trường và xã hội cũng như việc giúp trẻ bị LDTD hiểu rõ giá trị bản thân cùng với những hoạt động trí tuệ tinh thần khác sẽ góp phần làm giảm thiểu những hậu quả cuả LDTD.

Làm gì khi con kể lại chuyện?
Bày tỏ sự tin tưởng: Trước khi quyết định nói ra sự việc, trẻ đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều bởi chúng sợ người lớn quở trách, kết tội hoặc không tin. Vì thế nếu bạn tỏ ra nghi ngờ, trẻ sẽ khép lòng lại và bạn khó giúp đỡ con được. Chỉ có thái độ tin tưởng của bạn mới giúp con có cảm giác được chia sẻ, vượt qua sang chấn và giảm nỗi đau.

Bình tĩnh: Dù bạn có sốc đến đâu khi biết chuyện thì trước mặt con, bạn cũng phải tỏ ra hết sức bình tĩnh. Thái độ bình tĩnh của bạn giúp con vững tâm. Ngược lại, sự nóng nảy của bạn sẽ làm trẻ thêm sợ hãi, mặc cảm, suy nghĩ rằng bạn đang tức giận với nó, và nó là người có lỗi. Hãy cho biết rằng cũng có trẻ khác bị như vậy để nó thấy rằng mình không cô độc trên thế giới.

Lắng nghe: Bạn nên kiên nhẫn lắng nghe những điều trẻ muốn nói bởi điều này sẽ giúp bạn có được thông tin chính xác nhất từ sự việc. Việc thăm dò bằng cách hỏi thêm theo ý chủ quan của mình có thể làm trẻ bóp méo bằng chứng. Hãy chấp nhận những gì con nói với bạn, không phán xét, vặn vẹo và thể hiện cho con thấy bạn thông cảm và hiểu biết.

Khuyến khích trẻ nói ra cảm giác của mình: tỏ ra quan tâm, nói với con rằng con đã làm đúng và thật dũng cảm khi kể lại. Nên làm trẻ vững dạ bằng câu nói kiểu như: "Bố mẹ sẽ ở bên con nếu con muốn", "Bố mẹ sẽ cùng con giải quyết chuyện này". Bạn cần khẳng định với con rằng sự việc xảy ra hoàn toàn không phải do lỗi của trẻ.

Chuẩn bị cho con lường trước những điều có thể xảy ra: Bạn đừng hứa với trẻ là sẽ không nói với ai bởi bạn khó thực hiện được lời hứa nếu trình báo. Tốt nhất là nên chuẩn bị tinh thần cho trẻ, làm con hiểu rằng sẽ không thể một mình vượt qua chuyện này, mà cần sự giúp đỡ.

Theo Tin Tức