Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Yếu tố gây thiểu ối


Thiểu ối thường xảy đến vào khoảng thời gian cuối thai kỳ, đặc biệt với trường hợp mang thai quá ngày.

Các chuyên gia chưa tìm ra nguyên nhân chính xác khiến mực nước ối thấp. Dưới đây là một số yếu tố gây nên thiểu ối:

1. Rò ối

Một vết rách nhỏ ở màng ối có thể khiến nước ối bị chảy ra ngoài. Tình trạng này xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ nhưng thường phổ biến trong giai đoạn sắp chuyển dạ. Thai phụ có thể nhận biết dấu hiệu nước ối bị rò khi đáy quần lót bị ướt hoặc do bác sĩ phát hiện qua khám thai.

Rách (thủng) màng ối kéo theo nguy cơ nhiễm khuẩn cho cả mẹ và bé vì thông qua vết rách trên màng ối, vi khuẩn sẽ tiến sâu vào túi nước ối.

Có trường hợp, vết rách trên màng ối tự lành lại, nước ối cũng ngưng chảy và mực nước ối nhanh chóng trở lại bình thường (tình trạng này có thể xảy ra sau khi thai phụ tiến hành chọc dò ối).

2. Vấn đề ở nhau thai

Chẳng hạn như nhau thai bị đứt, khiến máu và dinh dưỡng không chuyển đủ tới bào thai và làm chậm quá trình tái sản xuất nước ối (đầu quý II của thai kỳ, bé bắt đầu xuất hiện cơ chế nuốt nước ối, nước ối di chuyển qua thận rồi được thải ra ngoài như cơ chế đi tiểu. Mỗi lần bé nuốt nước - đi tiểu, mực nước ối được duy trì cân bằng).

3. Người mẹ dùng thuốc

Các loại thuốc điều trị cao huyết áp, tiểu đường, tiền sản giật có thể khiến mực nước ối ít hơn bình thường.

4. Mang song thai hoặc đa thai

Các nghiên cứu chứng minh, nhóm người mẹ mang song thai hoặc đa thai có nguy cơ mắc thiểu ối cao hơn hẳn.

5. Bất thường ở bào thai

Người mẹ bị thiểu ối trong quý I hoặc quý II của thai kỳ thì nguy cơ thai bị dị tật khá cao. Nếu thận của thai nhi không phát triển khỏe mạnh (hội chứng Potter) hoặc đường dẫn nước tiểu bị đóng, bé sẽ không thể duy trì cơ chế nuốt nước - đi tiểu như bình thường. Dị tật tim ở bé cũng gây nên tình trạng tương tự.

Theo Mevabe