Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trục trặc chiều cao ở bé


Một số người mẹ hoang mang khi bé nhà mình thấp hơn các bé cùng tuổi khác. Các chuyên gia cho rằng, bé bị lùn có thể do bé gặp rắc rối về sức khỏe.

Nếu bạn lo lắng, bỗng nhiên bé không cao lên hoặc cao lên quá chậm, bạn nên trao đổi điều này với bác sĩ. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các dấu hiệu sức khỏe gây trì hoãn chiều cao và cân nặng ở bé như trục trặc tuyến giáp, thiếu hormone tăng trưởng hoặc mắc phải hội chứng Turner (loạn cấu tạo buồng trứng ở các bé gái), chứng bệnh Cushing (gây ra bởi thừa hormone cortisol).

Chiều cao của bé thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền, dinh dưỡng... Có bé phát triển chậm ở giai đoạn đầu đời nhưng về sau, tốc độ của bé sẽ theo kịp, thậm chí là hơn các bé cùng tuổi khác.

Điều trị

Bé bị lùn phần nhiều là go gene; vì thế, bác sĩ sẽ trao đổi với mẹ về vóc dáng của bố mẹ (cũng có khi thêm cả ông bà, cô, dì của bé). Bác sĩ muốn tìm hiểu xem có ai trong dòng họ mắc những vấn đề về hạn chế chiều cao hay không.

Bạn nên cung cấp cho bác sĩ các chỉ số theo dõi cân nặng và chiều cao của con qua từng giai đoạn phát triển. Qua đó, bác sĩ sẽ kiểm tra, tiến hành đối chiếu và đi đến kết luận về chiều cao ở bé. Cũng nên hỏi thêm bác sĩ về chế độ dinh dưỡng và những vấn đề sức khỏe liên quan.

Nếu sự kém phát triển chiều cao ở bé có liên quan đến trục trặc ở tuyến giáp, bác sĩ sẽ chỉ định việc điều trị cho bé tùy từng cấp độ ảnh hưởng. Một số trường hợp, khi kết thúc quá trình điều trị, bé sẽ tăng trưởng tốt.

Nếu chiều cao có liên quan đến sự thiếu hụt hormone tăng trưởng, bác sĩ có thể thêm vào cơ thể của bé hormone nhân tạo, kích thích tăng trưởng. Có thể trao đổi thêm với bác sĩ về cách thức điều trị, giá cả, ảnh hưởng, thời gian trị liệu dài hay ngắn.

Theo Mevabe