Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Teo đường mật gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh


Đây là một bệnh bẩm sinh chưa rõ nguyên nhân. Trẻ bị teo đường mật nếu không điều trị hoặc điều trị không kết quả thì bệnh sẽ nặng dần, gây xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa rồi suy gan, thường dẫn đến tử vong lúc 1-2 tuổi. Teo đường mật là bệnh lý tắc đường mật trong hoặc ngoài gan, hoặc toàn bộ đường mật, là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vàng da do ứ mật ở trẻ sơ sinh. Bệnh lý này có thể xảy ra trong thời kỳ phôi thai. Phải coi bệnh này là cấp cứu và chẩn đoán ngay trong tuổi sơ sinh. Biểu hiện rõ rệt nhất của teo đường mật bẩm sinh là hội chứng tắc mật: vàng da, củng mạc mắt vàng, có biểu hiện từ sau đẻ và tồn tại liên tục từ ngày thứ 15 sau đẻ. Trong một số trường hợp, phân có màu xanh, vàng của mật ở những ngày đầu sau đẻ, điều này gợi ý tắc đường mật không hoàn toàn. Thường phân trắng bạc màu hoàn toàn hoặc có thể vàng nhạt. Cho phân vào một gạc trắng sạch thì sau khi dịch trong phân thấm hết vào gạc, bã phân còn lại có màu trắng đục. Nước tiểu màu vàng. Gan to, cứng ở các mức độ khác nhau tùy theo thời gian bị bệnh. Lách có thể to, các tĩnh mạch giãn nổi lên dưới da bụng, bụng chướng to vì có dịch cổ chướng. Chảy máu dưới da thành từng chấm hoặc mảng xuất huyết khi có xơ gan. Hội chứng vàng da có ứ mật đôi khi kết hợp với nhiễm khuẩn nước tiểu do E.coli. Nếu sau điều trị kháng sinh hết nhiễm khuẩn đường tiết niệu nhưng hội chứng ứ mật vẫn tồn tại liên tục thì phải nghĩ tới khả năng teo đường mật. Để chẩn đoán chính xác, cần tiến hành xét nghiệm máu, phân, siêu âm, hoặc chụp nhấp nháy gan bằng đồng vị phóng xạ. Cần phân biệt vàng da do teo đường mật với các bệnh lý gây vàng da khác như viêm gan, vàng da sinh lý (thường chỉ tồn tại trong 2 tuần đầu sau đẻ; nếu kéo dài hơn thì phải nghi ngờ có teo đường mật và đi khám ngay). Khi đã có chẩn đoán teo đường mật thì nên mổ sớm ở tuổi sơ sinh. TS Trần Ngọc Bích, Sức Khỏe & Đời Sống