Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ tư duy tốt do thường xuyên hỏi


Những tháng năm đầu đời chính là giai đoạn "khởi động" để trẻ làm quen, tìm hiểu cuộc sống và làm nền tảng căn bản cho kiến thức sau này.

Ngày qua ngày, trẻ học hỏi thông qua việc đặt câu hỏi về mọi thứ quanh mình, càng lớn câu hỏi của trẻ sẽ càng phức tạp hơn, thể hiện khả năng tư duy cao hơn. Câu hỏi "tại sao" chính là dấu hiệu não bộ đang hoạt động tích cực, giúp trẻ rèn luyện khả năng quan sát và tư duy nhạy bén.

Các câu hỏi "tại sao" chính là dấu hiệu não bộ đang hoạt động tích cực. Nguồn: images.

Câu hỏi "tại sao?" là cách trẻ thể hiện khả năng tư duy, học hỏi
Giai đoạn từ 1- 6 tuổi là khoảng thời gian trẻ bắt đầu tiếp xúc với môi trường bên ngoài để tìm hiểu, học hỏi, nên mọi thứ với trẻ đều mới lạ và cực kỳ hấp dẫn... Bất kỳ việc gì cũng khiến trẻ tò mò, thắc mắc và thường đưa ra những câu hỏi. Tuy nhiên, trên thực tế, những câu hỏi "tại sao?" của trẻ ít được người lớn quan tâm giải đáp, vì cho rằng đó là những câu hỏi vu vơ của trẻ con. Đây chính là sự thiếu sót của người lớn vì chúng ta đã vô tình bỏ qua cơ hội giúp trẻ thể hiện khả năng tư duy và học hỏi.

Hỏi là cách trẻ giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, ông bà ... thông qua đó thể hiện những suy nghĩ, thắc mắc mà trẻ mong muốn được tìm hiểu và giải đáp. Để đặt ra những câu hỏi "tại sao?", trẻ phải có thời gian quan sát, so sánh và tư duy. Bằng chứng cho thấy là có nhiều câu hỏi của trẻ thể hiện được khả năng tư duy nhạy bén khiến người lớn cũng phải bất ngờ như: "Tại sao con gà không mang giày? Tại sao con có cổ mà con sâu không có cổ, vậy sao nó ngoái đầu lại nhìn đằng sau được?"

Hệ thần kinh của trẻ phát triển nhanh trong những năm đầu của cuộc đời, khi trẻ 3 tuổi, não trẻ đã phát triển bằng 90% kích thước não của người. Ở giai đoạn này, khả năng quan sát, trí tò mò của trẻ phát triển thể hiện qua những câu hỏi "tại sao?" được trẻ thắc mắc hằng ngày. Khi những câu hỏi dạng này được lặp lại thường xuyên, trẻ có dịp phát huy và hình thành khả năng quan sát, so sánh, tư duy. Khả năng này được khuyến khích đúng cách sẽ tập cho trẻ một thói quen tốt, đó là sự chủ động quan sát, học hỏi trước những điều mới lạ để tiếp nhận kiến thức mới.

Năng lượng não - đòn bẩy cho quá trình học hỏi của trẻ
Một đứa trẻ hỏi nhiều, lúc nào cũng thắc mắc về mọi thứ xung quanh chứng tỏ trẻ đang hứng thú khám phá cuộc sống. Cha mẹ, nên chú ý lắng nghe và sẵn sàng trả lời những câu hỏi của trẻ , đó là biện pháp tốt giúp trẻ hăng hái học hỏi. Chính nhờ thói quen hay hỏi này, trẻ sẽ thu nhận thêm nhiều kiến thức mới, đồng thời tạo dựng tính cách hoạt bát, tự tin nơi trẻ - đó là những kỹ năng quan trọng cần cho cuộc sống và nền tảng học tập sau này.

Có thể nhiều bậc phụ huynh chưa biết rằng mỗi ngày não trẻ phải tiếp nhận và xử lý lượng thông tin rất lớn. Để tiếp nhận và phân tích được lượng thông tin khổng lồ như thế, não trẻ cần nhiều "năng lượng não", gấp đôi so với não người lớn . Khi não không được cung cấp đủ năng lượng, trẻ sẽ kém tập trung, chậm tiếp thu kiến thức mới.

Tuy nhiên não hầu như không có khả năng dự trữ năng lượng, nên việc cung cấp nguồn năng lượng ổn định và liên tục cho não rất cần thiết để đảm bảo quá trình học hỏi của trẻ không bị gián đoạn.

Hiểu được đặc điểm phát triển và nhu cầu của não bộ trẻ sẽ giúp cha mẹ có cách chăm sóc dinh dưỡng và dạy dỗ trẻ thích hợp hơn. Để trẻ luôn mạnh dạn và chủ động học hỏi, ngoài việc khích lệ trẻ chủ động quan sát, đặt câu hỏi, thì cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để bảo đảm cung cấp đầy đủ nguồn năng lượng não cho trẻ là chìa khóa giúp trẻ mở cánh cửa kiến thức cuộc sống muôn sắc màu.

Theo Web Trẻ Thơ