Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đồ chơi: Bạn hay thù?


Nếu ví đồ chơi là một người bạn của trẻ thì đồ chơi ấy có thể là người bạn tốt nhưng cũng có thể là người bạn tồi, là người bạn rất hữu ích nhưng cũng có thể là người đồng hành để lại những tác động không tốt cho trẻ.

Lớn lên cùng đồ chơi

"Khi còn bé tôi thường tự hỏi "Ngày sau ta sẽ như thế nào?" Nhưng khi là người lớn tôi lại tự hỏi "Mình sẽ thế nào nếu không có những ngày xưa bé như thế ấy?".

Những khát vọng sáng tạo ra chiếc Boomeran từ bộ đồ chơi lắp ráp ô tô được bác hàng xóm mua tặng, những cải tiến để con rùa đất không chỉ chạy mà còn có thể bay, những chiếc máy chiếu phim tự tạo được làm theo một nguyên lý cực kỳ đơn giản với một hộp giấy, hai chiếc đũa và một cuộn giấy nhưng luôn tạo nên những buổi chiếu thành công rực rỡ, được khán giả ủng hộ nhiệt tình đến mức tôi phải làm việc cật lực để có những tập phim tiếp theo.

Cha mẹ thì luôn khốn khổ vì những trưa đội nắng đi tìm con đang say sưa sáng chế ở góc vườn nào đó. Còn tôi, cho đến giờ, tôi nhận thấy đó chính là bàn đạp đam mê sáng tạo để tôi không ngừng phát triển trong suốt chặng đường học hành sau này và cả công việc kinh doanh hiện tại. Tôi cũng thầm cảm thấy may mắn vì năm xưa được lũ trẻ ở xóm tín nhiệm phong làm thầy giáo bởi sự tự tin của tôi khi đứng trước đám đông ngày nay có lẽ cũng bắt nguồn từ trò chơi "làm cô giáo" từ thủa xưa đó. Và tôi cũng biết ơn vô cùng bố mẹ đã luôn tặng tôi món đồ chơi mà tôi yêu thích nhất, đó là sách.

Nhờ kho tàng tri thức ấy mà bây giờ dù bị cuốn trong dòng đời có quá nhiều mưu sinh nghiệt ngã, tôi vẫn còn có thể tự hỏi mình: "Vì đâu ta biết rung cảm khi đứng trước thiên nhiên tươi đẹp, sao ta lại khóc trước nỗi đau của đồng loại, sao tim ta xót xa khi chứng kiến một mảnh đời bất hạnh, sao tâm hồn ta chưa bị chai sạn trước một thế giới hàng ngày có quá nhiều bạo lực?".

Người viết những dòng trên là một doanh nhân. Anh ấy đã trưởng thành, đã thành đạt nhờ những món đồ chơi thơ bé chăng? Có lẽ đúng. Và bạn cũng đừng bất ngờ vì điều này.

Tiến sỹ tâm lý Vũ Kim Thanh cũng đã khẳng định: "Trẻ càng được tiếp xúc với thế giới đồ chơi phong phú bao nhiêu thì phát triển càng "tròn trịa" bấy nhiêu". Những món quà mang tên đồ chơi. Thủa nằm nôi, những món đồ chơi đơn giản với nhiều màu sắc bắt mắt, với những tiếng kêu lạ tai kích thích phát triển thị giác, thính giác hay cơ tay.

Theo năm tháng, cùng với sự phát triển dần về trí tuệ và thể lực của bé, đồ chơi lại đóng góp những vai trò lớn hơn. Nó giúp bé cứng xương, chắc cơ, phát triển kỹ năng vận động hay rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay qua những đồ chơi đòi hỏi sự vận động. Nó mở ra cho bé những tưởng tượng phong phú, khả năng suy diễn qua những món đồ chơi trí tuệ. Nó kích thích lòng tự tôn và tinh thần tập thể qua những đồ chơi chung. Tính sáng tạo, khả năng ngôn ngữ và thậm chí gu thẩm mỹ của bé cũng hình thành bắt đầu từ những món đồ chơi tưởng chừng rất đơn giản. Đồ chơi mở ra một thế giới sống động để bé thâm nhập và phát triển trước khi hòa nhập vào thế giới thực tế.

 

Đồ chơi phản đồ chơi

Trong thế giới của những người bạn, tất nhiên có kẻ tốt người xấu. Thế giới đồ chơi của bé cũng vậy, không hiếm người tốt và cũng rất nhiều kẻ xấu. Những đồ chơi "kẻ xấu" không những chẳng ích gì cho con trẻ mà nó còn là thủ phạm gây nên rất nhiều những ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển tâm lý và tính của trẻ.

Trong mắt con trẻ, công chúa bằng nhựa vẫn là công chúa thực, ôtô bằng gỗ cũng vẫn chạy như ôtô bé thấy trên đường, khác biệt có lẽ chỉ ở kích thước to nhỏ. Do đó, khi say mê một món đồ chơi nào đó, trẻ gần như đánh đồng chính bản thân mình với nó, với những đặc điểm ẩn giấu bên trong món đồ chơi. Chơi với công chúa, bé sẽ tự nhập vai công chúa. Và dĩ nhiên, chơi với những con quái vật hung hãn, những người máy dữ tợn, những thanh kiếm, súng ống bạo lực... chắc chắn bé không thể nhập vai một người hiền lành.

Ảnh hưởng của đồ chơi lên tính cách của con trẻ không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Một đứa bé luôn say mê với những hình ảnh đẹp như cô công chúa hiền hậu, bà tiên nhân từ, chú thỏ bông tốt bụng thì từ lời nói cho đến hành động ngoài đời thực của bé sẽ phản ánh những điều tốt đẹp này. Một đứa trẻ bỗng dưng trở nên hung hăng ngang ngược thì rất có thể, bé đã bắt chước từ đâu đó, hoặc là từ chính những thứ đồ chơi đầy chất bạo lực được mua tặng.

Người lớn khi chiều lòng con trẻ mua hết robot đến yêu quái hay đao kiếm cho con lại ít khi nghĩ rằng những món đồ chơi "khủng bố" ấy ẩn chứa một sức mạnh phá hủy ghê gớm. Nó có khả năng kích động những bản năng xấu trong con người. Và tệ hơn nó khiến các bé, đặc biệt là bé trai có thể mắc hội chứng "nghiện" bạo lực.

Hình mẫu đồ chơi là một chuyện, chất liệu đồ chơi lại là một câu chuyện dài hơn, và... kinh dị hơn. Bé có thể thay đổi tính nết vì đồ chơi. Điều này nhiều bà mẹ không sợ bằng việc con họ có thể mắc bệnh vì đồ chơi chất lượng thấp. Không ai biết trong mấy món đồ chơi trôi nổi hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc kia có được sản xuất từ chất nhựa PCV độc hại hay màu sắc của đồ chơi có chứa chất chì hay không. Cũng chẳng ai đứng ra kiểm nghiệm hoặc đưa ra một tiêu chuẩn an toàn cho mấy món đồ chơi đưa vào Việt Nam từ đủ trăm phương ngàn hướng.

Kết cục, độc hại cũng vẫn cứ phải mua, vì không mua thì biết cho con chơi gì? Đồ chơi hàng hiệu không thiếu, chỉ thiếu mỗi tiền. Đồ chơi dân gian giản dị cũng có, nhưng tìm mỏi mắt chẳng thấy. Kết cục là cứ ra khỏi ngõ là thấy hàng đồ chơi, song nỗi niềm chung của các bậc cha mẹ vẫn là "không biết mua gì cho con".

Theo: Tin tức online