Chống táo bón cho bé mới ăn dặm Bước vào tuổi ăn dặm, màu sắc và độ rắn của phân sẽ thay đổi đáng kể. So với giai đoạn "ti mẹ" hoàn toàn, phân của bé bây giờ có vẻ mềm, có mùi khó chịu, có thể thay đổi màu sắc theo loại thực phẩm bé ăn và đôi khi, những mảnh thức ăn chưa được tiêu hóa hết còn lẫn trong phân. Cha mẹ nên lưu ý đến dinh dưỡng cho trẻ khi trẻ bước vào tuổi ăn dặm Tần suất đi tiêu ở bé cũng bắt đầu thay đổi, có thể vài ngày bé mới đi tiêu một lần. Cũng có khi bé khó khăn hoặc khóc thét mỗi lần phải đi tiêu. Những dấu hiệu này có khả năng cảnh báo nguy cơ mắc táo bón khi bé mới ăn dặm. Để tránh tình trạng phân bị khô và rắn, gây nên hiện tượng khó đi tiêu, cha mẹ nên lưu ý vấn đề dinh dưỡng ở bé như sau: - Thử cho bé dùng bột ăn dặm vị lúa mạch, yến mạch (oat cereal) hoặc ngũ cốc tổng hợp (mixed grain cereal). Bên cạnh đó, nên cho bé tập ăn những loại thực phẩm dễ tiêu hóa như quả bơ, khoai lang trước khi cho bé làm quen với những loại củ, quả khác. - Cho bé thưởng thức loại trà dành riêng cho bé. Nên pha loãng trà với nước đun sôi để nguội, đổ vào bình sữa và cho bé "ti" như khi mút sữa. Nếu không, cha mẹ có thể cho bé uống trà bằng thìa. Phần lớn các loại trà dành cho bé được chiết xuất từ hoa quả nên có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp cân bằng đường ruột. - Có thể pha loãng nước ép hoa quả như quả lê (một trong những loại quả an toàn cho bé tập ăn dặm lại có tác dụng tránh táo bón) hoặc quả mận, đào - hai loại quả có vị chua tự nhiên, kích thích bé đi tiêu đều đặn. - Nên nghiền nhuyễn rau hoặc quả và trộn chung vào bột ăn dặm cho bé. - Dù bé đã bước vào tuổi ăn dặm nhưng mẹ cũng không nên cai sữa sớm cho con. Nên duy trì những cữ "ti mẹ" đều đặn trong ngày. - Thực phẩm có khả năng gây táo bón, nếu được sử dụng với số lượng lớn là: bột gạo ăn dặm, chuối chưa chín hẳn, carrot được nấu chín, khoai tây, bánh mỳ, mỳ sợi được dầm nhuyễn và thậm chí cả sữa chua hoặc phômai. Theo mevabe.net
|