Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dấu hiệu chậm phát triển thể chất


Sự phát triển ở các bé là khác nhau nhưng nhìn chung vẫn tuân theo một lịch trình rõ ràng. Ở một mốc tuổi nào đó, nếu bé không đạt được sự phát triển bình thường, cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ.

Đôi khi, điều này là bình thường nhưng cũng có thể, nó là dấu hiệu chậm phát triển thể chất (có thể liên quan đến chậm phát triển trí tuệ), nên cần được phát hiện và điều trị sớm. Nếu có điều gì đó bất thường hoặc bạn cảm thấy lo lắng khi chăm bé, bạn nên đặt câu hỏi với bác sĩ. Không nên e ngại hoặc không nên tự suy diễn về tình trạng phát triển ở bé.

Những dấu hiệu dưới đây có khả năng cảnh báo trục trặc trong quá trình phát triển theo độ tuổi:

1. Giai đoạn 3-6 tháng tuổi: Không thích túm hoặc chạm tay với tới đồ chơi; không có biểu hiện nâng đầu khi bạn nhấc bé khỏi cũi.

Khoảng 4 tháng tuổi: Bé không có xu hướng đưa đồ chơi vào miệng; không co - duỗi chân khi bạn đặt bé nằm trên một mặt phẳng cố định.

6 tháng tuổi: Bé vẫn chưa thể ngồi dù có sự trợ giúp của cha mẹ.

2. Giai đoạn 7-9 tháng tuổi

7 tháng tuổi: Bé ít có chuyển động đầu khi được đặt ở vị trí ngồi; không có biểu hiện đưa đồ vật vào miệng; không thích với tay túm lấy đồ chơi; không thể chịu được tác động nào vào đôi chân của bé.

8-9 tháng tuổi: Bé không thể tự ngồi.

3. Giai đoạn 9-12 tháng tuổi: Khoảng 12 tháng tuổi, bé vẫn chưa biết bò và cũng chưa biết đứng dưới sự trợ giúp của cha mẹ.

4. Giai đoạn 13-24 tháng tuổi: Khoảng 18 tháng tuổi, bé vẫn chưa biết đi. Sau nhiều tháng học đi, bé vẫn chưa thể đi được một mình hoặc bé liên tục đi bằng cách nhón chân.

5. Giai đoạn 3 tuổi: Bé liên tục bị ngã và không thể tự mình lên - xuống cầu thang; bé chảy nước dãi liên tục và không thể dùng tay nhặt đồ vật nhỏ

 Theo Mevabe