Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Kế hoạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm


ỦY BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 767/GDĐT-BCĐ GDSK&ATTH
TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 04 năm 2009

Kính gửi: - Trưởng phòng Giáo dục các Quận, Huyện
- Hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở .

KẾ HOẠCH ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM (VSATTP)
Năm 2009

Thực hiện Chỉ thị 08/1999/CT-TTg ngày 15/4/1999 của Thủ Tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm;

Căn cứ công văn số 1730/SYT-QLVSATTP và 1726/SYT-VSATTP của Ban chỉ đạo Liên ngành về An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố về Kế hoạch triển khai thực hiện " Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm" năm 2009 của thành phố;

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố triển khai kế hoạch Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2009 và kế hoạch thực hiện " Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh thực phẩm" năm 2009 như sau:

I. Mục đích yêu cầu:
1) Nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành VSATTP của người tham gia các hoạt động tổ chức ăn uống tại trường.
2) Truyền thông, nâng cao kiến thức và thái độ thực hành đúng của các bậc cha mẹ, học sinh về VSATTP.
3) Cải thiện tình hình VSATTP tại trường, lớp, căn-tin; bảo đảm VSATTP phục vụ bữa ăn tại trường cho học sinh & giáo viên.
4) Tiến đến 100% trường, lớp, căn-tin được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
5) Tăng cường công tác dự phòng để tránh dịch bệnh lây qua thực phẩm, đường ăn uống tại trường, lớp, căn-tin.
6) Tăng cường công tác giám sát, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh.

II. Tổ chức thực hiện:
Phòng Giáo dục và đào tạo các Quận, huyện, các trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Trung học phổ thông và các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với Phòng Y tế triển khai tổ chức các hoạt động như sau:

1) Công tác huấn luyện nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành VSATTP của người tham gia các hoạt động tổ chức bữa ăn trong trường học:

1.1 Thường xuyên mở các lớp huấn luyện kiến thức VSATTP không thu phí và cấp giấy chứng nhận về VSATTP cho tất cả các đối tượng trực tiếp tham gia các hoạt động tổ chức ăn uống của trường học.

1.2 Nội dung cần tăng cường cho các lớp tập huấn:

- Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành và giám sát tốt công tác VSATTP ảnh hưởng tích cực đối với sức khoẻ học sinh và giáo viên, đối với đời sống xã hội.
- Phương án ứng phó và xử lý khi có vụ ngộ độc xảy ra.

1.3 Mỗi cơ sở có trách nhiệm cử người đi học nghiêm túc, đảm bảo 100% cán bộ-giáo viên-công nhân viên đều được tập huấn, có kỹ năng thực hành đúng và thuần thục, xử lý tình huống nhanh nhạy và đúng quy định. Tuyệt đối không sử dụng người trực tiếp tham gia các hoạt động tổ chức ăn uống mà chưa qua huấn luyện.

2) Truyền thông, nâng cao kiến thức và thái độ thực hành đúng của các bậc cha mẹ và học sinh về VSATTP.

2.1 Tổ chức tuyên truyền " Kiến thức chọn lựa thực phẩm an toàn", "Kiên quyết không sử dụng thực phẩm không được đảm bảo vệ sinh, an toàn", " 10 lời khuyên bảo vệ gia đình bạn đề phòng ngộ độc"...

2.2 Thường xuyên rửa tay sạch đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

2.3 Đảm bảo ăn chín, uống sôi.

2.4 Không dùng chung đồ dùng ăn uống, đồ dùng cá nhân.

2.3 Lau chùi, cọ rửa sạch nhà cửa, đồ đạc bằng dung dịch khử khuẩn.

2.5 Triển khai Cao trào hưởng ứng "Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm" từ 15/4 đến 15/5/2009 với chủ đề " Cộng đồng trách nhiệm để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm : nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng"

- Tất cả các trường học treo banderol hưởng ứng tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (chọn 1 trong các khẩu hiệu trong phụ lục )

- Chọn ra một hoặc vài nội dung hoạt động liên quan đến vần đề an toàn thực phẩm có nguy cơ xảy ra trong nhà trường ( theo phụ lục 2 ) để tuyên truyền phát động thành phong trào hành động nhằm hưởng ứng tháng hành động vì chất lượng VSATTP.

- Chủ động đề xuất với chính quyền địa phương để đảm bảo trật tự, không để có bất cứ loại hàng rong nào bán xung quanh trường học.

3) Các giải pháp cải thiện tình hình VSATTP tại trường, lớp, căn-tin; Thực hiện "Chuỗi thức ăn an toàn" phục vụ bữa ăn tại trường cho học sinh & giáo viên:

3.1 Tất cả các thức ăn chế biến sẳn, thực phẩm nguyên liệu được mua dưới hình thức ký kết bảo đảm an toàn. Chế biến thức ăn trong quy trình bếp một chiều, đường đi của thức ăn sống và chín, sạch & bẩn không lẫn lộn, chồng chéo lên nhau; tuân thủ các quy trình kỹ thuật của từng công đoạn: chọn lọc thực phẩm, rửa, xắt thái, nấu, nêm nếm, phân chia thành phẩm theo định lượng đủ dinh dưỡng tận bàn ăn cho mỗi suất ăn, lưu mẫu thức ăn.

3.2 Nơi tổ chức ăn uống đảm bảo vệ sinh: trần, tường, sàn nhà, bàn, ghế, đèn, quạt...sạch sẽ. Tuyệt đối không có các vật trung gian gây bệnh (ruồi, nhặng, gián , chuột...), chim chóc, gia súc...ở khu vực ăn uống.

3.3 Các phương tiện, đồ dùng phục vụ ăn uống được làm bằng chất liệu an toàn, được rửa sạch, tiệt trùng.

3.4 Tạo mọi điều kiện để thực hiện tốt các chế độ vệ sinh cá nhân đối với nhân viên phục vụ và người ăn để ngăn chặn nguồn lây nhiễm.

4)Tăng tỷ lệ trường lớp được cấp giấy chứng nhận "cơ sở đủ điều kiện VSATTP".

4.1 Tăng cường công tác kiểm tra, giúp đỡ tích cực để cơ sở khắc phục những tồn tại để đạt chuẩn được cấp giấy chứng nhận "cơ sở đủ điều kiện VSATTP".

4.2 Dứt điểm việc cấp giấy chứng nhận đối với các cơ sở đã được cấp giấy phép hoạt động trường, lớp bán trú hoặc từ năm 2008 trở về trước.

4.3 Những bếp ăn của các đơn vị trường, lớp hoặc căn-tin không được cấp giấy chứng nhận sẽ phải đình chỉ hoạt động kể từ tháng 8 năm 2009.

5) Thực hành công tác dự phòng tại trường, lớp, căn-tin để tránh dịch bệnh lây qua thực phẩm, đường ăn uống.

5.1 Tuyệt đối không mua những sản phẩm chưa công bố tiêu chuẩn thực phẩm an toàn của những cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ tiêu chuẩn VSATTP

5.2 Kiểm tra kỹ nhãn hàng, bao bì, hạn sử dụng trước khi sử dụng.

5. 3 Thức ăn chế biến sẳn được sử dụng trong vòng 2 giờ kể từ lúc thành phẩm

5.4 Thường xuyên thực hiện vệ sinh để tiêu diệt mầm bệnh ở kho thực phẩm, nơi chế biến, nơi bày bán thực phẩm, nơi ăn uống, các đồ dùng phục vụ ăn uống.

5.2 Đảm bảo 100% các đối tượng có liên quan được khám sức khoẻ định kỳ theo quy định.

6) Tăng cường công tác giám sát, không để có dịch bệnh xảy ra.

6.1 Mỗi cơ sở phải tiến hành tự kiểm tra và cập nhật thông tin hàng ngày theo hướng dẫn.

6.2 BCĐ. GDSK&ATTH Tổ chức kiểm tra chéo giữa các cơ sở trường, lớp về cao trào hưởng ứng tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

6.3 Phòng Giáo dục và đào tạo phối hợp với BCĐ Y tế trường học Quận, huyện kiểm tra, giám sát tất cả các cơ sở giáo dục trong quận, huyện theo kế hoạch hàng năm.

Đề nghị các đơn vị tổ chức triển khai ngay kế hoạch và đưa vào nội dung báo cáo hàng tháng gửi về Thường trực BCĐ Sức Khoẻ & An Toàn trường học của cấp quản lý trực tiếp (với Sở Giáo dục - Đào tạo thì liên hệ bác sĩ Nguyễn Tài Dũng) để theo dõi tiến độ, báo cáo và thúc đẩy công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2009 chuyển biến tích cực và hiệu quả.

Nơi nhận:
- Đ/c Nguyễn Thành Tài PCT TT UBNDTP (để báo cáo); TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO GDSK - ATTH
- Đ/c Nguyễn Thị Thu Hà PCT UBNDTP (để báo cáo);
- Sở Y tế ( để phối hợp);
- Như trên;
- Ban Giám đốc Sở;
- P.GDMN, P.Tiểu học, P.Trung học; P.GDCN-ĐTBDGV
- Lưu BCĐ, VP.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
(Đã ký)

Nguyễn Tiến Đạt

PHỤ LỤC (1)

Khẩu hiệu của " Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm" (Năm 2009)

------------------

1. Trách nhiệm bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
2. Vì sức khoẻ và phát triển bền vững, hãy sản xuất ra những sản phẩm thực phẩm chất lượng an toàn.
3. Không sử dụng phẩm màu độc hại và các chất phụ gia ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
4. Hãy biết cách lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ của bạn.
5. Mỗi người tiêu dùng hãy là một thành viên, đấu tranh với các hành vi vi phạm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

------------------------------------------------

PHỤ LỤC (2)

1. Thực phẩm chức năng hiểu đúng, làm đúng, dùng đúng
2. Hướng dẫn lựa chọn thực phẩm
3. Quản lý thực phẩm chức năng
4. Phòng chống dịch tả
5. Những điều cần biết về vệ sinh cá nhân
6. Những điều cần biết về phụ gia thực phẩm
7. HACCP - Một phương pháp quản lý CLVSATTP
8. Điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
9. Phòng chống ngộ độc thực phẩm sau mùa bão lụt
10. Phòng ngừa khắc phục NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm
11. Các hành vi nghiêm cấm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm
12. Đảm bảo vệ sinh, an toàn thức ăn đường phố
13. Quy định điều kiện VSATTP đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ ăn uống
14. Yêu cầu chung về các điều kiện VSATTP trong sản xuất kinh doanh thực phẩm
15. Quy định yêu cầu kiến thức VSATTP đối với người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm
16. Quy chế cấp giấy chứng nah65n đủ điều kiện VSATTP với cp7 sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao