Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi trẻ vào bếp


Đối với trẻ em mà nói thì bếp là nơi cực kỳ thú vị và hấp dẫn
Không nên khư khư giữ bé tránh xa nhà bếp, nhưng cũng cần cẩn trọng khi bé vào bếp. Như thế, việc "nấu ăn" của bé mới vui và an toàn.

Đối với trẻ em mà nói thì bếp là nơi cực kỳ thú vị và hấp dẫn. Không những thế việc tự mình nấu ăn - đương nhiên là có sự giúp đỡ của mẹ - lại càng khiến trẻ hào hứng hơn bao giờ hết.

Để trẻ vào bếp cùng nấu nướng với mẹ không những là một hình thức vui chơi mà nó còn giúp trẻ phát triển sự quý trọng bản thân. Nhưng trước khi cho trẻ vào bếp, có vài hướng dẫn quan trọng mà bạn nên lưu ý để đảm bảo rằng việc nấu ăn không những vui mà còn an toàn đối với những đứa con thân yêu của bạn.

An toàn và vệ sinh
Điều đầu tiên bắt buộc là phải có người lớn giám sát. Lò nướng, nồi nước sôi, dao... là những thứ có khả năng gây ra tai nạn khi lũ trẻ loăng quoăng trong bếp.

Lò vi sóng, lò nướng phải để ở khoảng cách an toàn với trẻ và được người lớn cho phép trẻ mới được sử dụng. Bạn cũng cần phân biệt cho bọn trẻ loại bát đĩa nào có thể cho vào lò và không được quên dùng găng tay để lấy các thứ bên trong ra ngoài.

Luôn cẩn thận khi dùng dao. Không để trẻ cầm dao chơi một mình.

Không cho trẻ lại gần nồi, phích nước nóng hoặc bếp đun để tránh gây bỏng.

Bạn cũng cần dạy trẻ biết cách rửa tay với xà phòng trước và sau khi chạm vào thức ăn hoặc biết lau chùi sạch sẽ tủ bếp. Một điểm cũng cần lưu ý là quần áo, đầu tóc của bọn trẻ được chỉnh trang gọn gàng trước khi vào bếp để tránh gây ra những tai nạn đáng tiếc như mắc quần áo hay tóc vào máy đánh trứng hoặc máy xay...

Dạy cho trẻ biết cách để phần thức ăn chưa dùng đến, nhất là các loại dễ hỏng như sản phẩm từ bơ sữa vào tủ lạnh ngay sau khi sử dụng. Đừng để chúng ở ngoài.

Khi nặn hay nhào trộn thức ăn, dặn trẻ không được liếm ngón tay hoặc cho tay vào miệng đặc biệt là thịt sống và bột mì.

Tránh ho hay hắt hơi trực tiếp vào thức ăn. Dùng giấy ăn che miệng lại để ho và xì mũi, sau đó phải rửa tay ngay.

Nếu không may bị thương trong lúc làm bếp, bạn cần khẩn trương sơ cứu theo các chỉ dẫn dưới đây.

Bị bỏng: ngay lập tức ngâm chỗ bỏng vào nước lạnh hoặc xối nước trực tiếp lên vết thương ít nhất 10 phút. Lưu ý không dùng nước đá hoặc các loại dầu hay kem bôi vì rất dễ làm vết bỏng nặng thêm. Sau đó đưa trẻ tới trạm y tế hoặc bệnh viện gần nhất.

Bị đứt tay: rửa vết thương bằng xà phòng và nước ấm. Dùng vải hoặc bông băng giữ chặt vết thương cho đến khi cầm máu. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy thì cần đưa trẻ đi bệnh viện để các bác sĩ kịp thời xử lý.

Theo Tin Tức