Dạy trẻ nhận thức đúng từ những việc làm sai Một lần chồng tôi đi đón đứa con trai 4 tuổi đang chơi với các bạn hàng xóm. Vì rất thích những đồ chơi đó nên thằng bé đã hỏi nhỏ bố rằng: "Bố ơi, con có thể cầm đồ chơi của bạn ấy về nhà mình được không?" và bị bố từ chối. Lúc gần về, anh nghe thấy một đứa trẻ khác thì thầm với thằng bé: "Lấy đi, giấu vào túi áo ấy, bố cậu không nhìn thấy đâu" và nó đã làm theo lời bạn mách nước. Trên đường về nhà, anh hỏi con chơi với bạn có vui không nhưng cậu bé im lặng không trả lời, hai tay nắm chặt lấy túi áo, đôi vai co rúm lại nhìn rất tội nghiệp. Khi về tới nhà, cậu bé chạy lên phòng úp mặt vào gối khóc nức nở và nói: "Con sai rồi bố ạ". Việc cậu con trai 4 tuổi tự cảm thấy ăn năn và nhận lỗi đã khiến người bố phải đắn đo suy nghĩ: nên phạt vì con đã mắc lỗi? hay khen ngợi vì đã biết nhận lỗi? Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì không nên sử dụng cả hai phương pháp trên. Cách dạy dỗ như vậy sẽ không thể giúp trẻ biết được đâu là việc làm đúng và đâu là sai. Đánh mắng hay trách phạt sẽ đem đến kết quả nằm ngoài sự mong đợi của chúng ta về tính chân thực và sự hợp tác của trẻ. Cha mẹ nên hiểu được việc mà con mình đã làm, và lấy đó làm cơ hội để chúng ta nói chuyện với con, giúp con nhận thức được việc đúng/sai. Người cha nói trên đã đã xoa đầu con và nói: "Con yêu, bố rất vui khi con đã nói ra sự thật, con đừng lặp lại hành động đó một lần nữa con nhé" và lý giải cho cậu bé hiểu đó là hành động sai trái và vì sao một hành vi sai trái là không thể chấp nhận. |